"Homo Numericus" và lời cảnh tỉnh trong kỷ nguyên số
Công nghệ phục vụ con người, hay con người bị công nghệ kiểm soát? Đây là câu hỏi được tác giả Daniel Cohen tập trung làm rõ trong cuốn sách Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số.
Khao khát kiểm soát mọi thứ, con người lại bị thuật toán dẫn dắt
Daniel Cohen là nhà kinh tế học hàng đầu người Pháp. Ông là giáo sư tại Trường Kinh tế Paris (Paris School of Economics), là cố vấn cho nhiều tổ chức kinh tế lớn. Trong sự nghiệp của mình, Daniel Cohen đã xuất bản nhiều công trình có tầm ảnh hưởng lớn, giúp định hình tư duy về kinh tế và công nghệ trong thế kỷ XXI.
Các tác phẩm nổi bật nhất của Daniel Cohen phản ánh sâu sắc những biến đổi kinh tế và xã hội trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ số. Trong đó, Homo Numericus bàn về cơ hội và thách thức mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt giữa kỷ nguyên công nghệ: khao khát kiểm soát mọi thứ, nhưng lại dễ dàng bị dẫn dắt bởi những thuật toán tinh vi theo dõi từng chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống.

Một trong những câu hỏi quan trọng mà Homo Numericus đặt ra là: công nghệ đang phục vụ con người, hay con người đang bị công nghệ kiểm soát? Tác giả chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, chúng ta không còn là người đưa ra quyết định mà bị dẫn dắt bởi các thuật toán tinh vi.
Mạng xã hội không chỉ phản ánh sở thích của người dùng mà còn định hình và thay đổi chúng ta theo cách mà chúng ta không nhận ra. Các nền tảng thương mại điện tử có thể dự đoán nhu cầu của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức được điều đó.
Khai thác mặt tích cực của công nghệ số
Mặc dù chỉ ra nhiều vấn đề của thời đại số, Cohen không phải là một người bi quan. Ông tin rằng công nghệ không nhất thiết phải kiểm soát con người, mà con người vẫn có thể tìm ra cách khai thác mặt tích cực của nó.
Theo tác giả, một xã hội số lý tưởng là nơi mà công nghệ giúp mọi người tiếp cận tri thức dễ dàng hơn, nơi mà tiếng nói của mọi cá nhân đều được lắng nghe, thay vì bị thống trị bởi một số tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần hiểu rõ cách công nghệ vận hành, đồng thời có những cơ chế quản lý phù hợp để hạn chế các mặt tiêu cực của nó.
Cuốn sách cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư, tự do cá nhân và tương lai của nhân loại trong thời đại số. Nó không chỉ dành cho những ai quan tâm đến công nghệ, mà còn cho bất kỳ ai muốn hiểu rõ hơn về chính mình trong thế giới đầy biến động.
Nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số, Nhã Nam phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức ra mắt sách vào sáng 23/5 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số: Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI) Lê Nguyễn Trường Giang; nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Left Brain Connectors, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực - Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI) Hứa Tất Đạt...