Hội thảo về gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế
Sáng 3.5, tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Ủy ban Đối ngoại và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức Hội thảo xem xét việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong 8 công ước cơ bản của ILO, được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1.7.1949. Đến nay, trên thế giới đã có 165/187 quốc gia thành viên ILO tham gia Công ước. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, về chính trị, việc gia nhập Công ước 98 sẽ góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta; tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc gia nhập Công ước 98 nói riêng và các Công ước còn lại của ILO là rất cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế về lao động - xã hội theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn lao động của ILO. Về pháp lý, những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tập trung chủ yếu tại Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Đây là những tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình nghiên cứu gia nhập Công ước 98. Việc gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn; từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động ngày càng hài hòa, ổn định.
![]() |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc gia nhập Công ước 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế và lao động, xã hội. Công ước 98 không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013; các quy định của pháp luật Việt Nam về cơ bản phù hợp với Công ước 98. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật nước ta còn chưa phù hợp với Công ước 98 liên quan đến bảo đảm tính tự nguyện của thương lượng tập thể. Đơn cử, về nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể, theo Điều 4 Công ước 98, thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện. Nguyên tắc này chưa được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012. Cũng theo Điều 4 Công ước 98, người lao động được lựa chọn tổ chức đại diện cho mình trong thương lượng tập thể. Tuy nhiên, Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2012 trao quyền đại diện đương nhiên cho Công đoàn cấp trên trong các doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở có quyền thay mặt người lao động ở đó để tiến hành thương lượng tập thể là chưa phù hợp với yêu cầu về tính tự nguyện trong thương lượng tập thể... Bên cạnh đó, Công ước 98 không có quy định liên quan đến vấn đề bảo lưu, vì vậy, nếu Việt Nam gia nhập Công ước thì phải chấp nhận toàn bộ nội dung của Công ước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại kiến nghị, UBTVQH thống nhất trình QH xem xét việc gia nhập Công ước 98 tại Kỳ họp thứ Bảy tới; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan QH thực hiện thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính tương thích, phù hợp với các nội dung Công ước 98.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về ý nghĩa và nội dung của Công ước 98; những quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp với Công ước 98 và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính tương thích của hệ thống pháp luật đối với yêu cầu của Công ước. Các đại biểu nêu rõ, Công ước 98 có những quy định nhằm bảo đảm cơ chế thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện. Vì vậy, cần làm rõ nội hàm của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; trách nhiệm của Nhà nước và các bên thương lượng tập thể trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể cũng như các nguyên tắc nhằm bảo đảm tính tự nguyện của thương lượng tập thể.