Hội thảo quốc tế VSEFI 2025: "Cú hích" trong cộng đồng học thuật
Ngày 10/7, Hội thảo quốc tế lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2025) khai mạc tại Hà Nội.
Hội thảo do Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), phối hợp với Khoa Kinh doanh & Luật, Đại học Curtin (Australia), Trường Kinh doanh EMLV và Đại học Paris-Saclay (Pháp), Trường Đại học HEC Montréal (Canada) tổ chức trong 2 ngày 10 - 11/7.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu, khách mời, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ 49 trường đại học và viện nghiên cứu thuộc hơn 20 quốc gia gồm: Úc, Áo, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Khu hành chính đặc biệt Ma Cao (Trung Quốc), Malaysia, New Zealand, Na Uy, Oman, Pakistan, Đài Loan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Việt Nam,...
Hội thảo đã nhận được hơn 110 bài báo khoa học từ các nhà nghiên cứu thuộc 41 quốc gia và 155 trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn cầu.

Thúc đẩy đưa ra các ứng dụng trong thực tiễn
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những tiến bộ công nghệ phát triển nhanh chóng, sự bất ổn định về kinh tế cùng các thách thức toàn cầu, nhu cầu về đối thoại liên ngành và hợp tác giải quyết vấn đề trở nên cấp thiết.
Hội thảo năm nay đã phản ánh tầm nhìn chung trong việc sử dụng tri thức, không chỉ nhằm thúc đẩy kinh doanh hay phát triển kinh tế, mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và trao quyền cho các thế hệ tương lai.
“Tôi tin rằng, Hội thảo sẽ đóng vai trò quan trọng, như một nền tảng năng động nơi các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, doanh nhân và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tụ họp để chia sẻ những hiểu biết, khám phá ý tưởng và nâng cao kiến thức trong 3 lĩnh vực quan trọng đối với tương lai của các nền kinh tế và xã hội”, PGS.TS Đào Thanh Trường cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Định, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội thảo VSEFI được tổ chức thường niên từ năm 2022. Điểm đặc biệt so với các năm trước là Hội thảo thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các đối tác quốc tế, các nhà khoa học từ khắp các châu lục.
Bên cạnh đó, Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi rất mạnh mẽ, với sự ứng dụng của AI trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.
Do đó, Hội thảo có rất nhiều bài chất lượng cao nói về xu hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi của hệ thống tài chính trên thế giới trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ, có thể được đăng tại các tạp chí uy tín cao trên thế giới thuộc nhóm Q1, Q2.
“Chúng tôi kỳ vọng về mặt nghiên cứu, Hội thảo sẽ là một cú hích trong cộng đồng học thuật để thúc đẩy đưa ra các ứng dụng trong thực tiễn”, PGS.TS Nguyễn Văn Định cho hay. Ông cũng nhấn mạnh việc Hội thảo thu hút nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới, từ khắp các châu lục tham dự cũng khuyến khích sự tìm tòi trong các cán bộ, giảng viên nhà trường; hình thành và tiếp tục phát triển các mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu cũng như hợp tác trong công bố khoa học của Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới
Hội thảo VSEFI 2025 có các chủ đề chính gồm: Ứng dụng AI, Dữ liệu lớn và Học máy trong Tài chính, ESG, Định giá tài sản, Doanh nghiệp gia đình, Tài chính doanh nghiệp và Quản trị, Tài chính kỹ thuật số và Ngân hàng, FinTech, Khởi nghiệp xã hội và bền vững, Tài chính khí hậu, Tài chính hộ gia đình…
Hội thảo có các bài phát biểu chính từ Giáo sư Kose John - Giáo sư Tài chính và Ngân hàng tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, Hoa Kỳ; Giáo sư Wim Vanhaverbeke - Giáo sư Đổi mới & Khởi nghiệp số, Khoa Kinh doanh & Kinh tế, Đại học Antwerp, Bỉ & Đồng Tổng Biên tập Tạp chí Technovation; Phó Giáo sư Thái Mai - Phó Giáo sư Khởi nghiệp & Đổi mới sáng tạo, Giám đốc chương trình Social Business Creation, HEC Montréal.

Tại Hội thảo, Giáo sư Kose John - Giáo sư ngành Ngân hàng và Tài chính, Đại học New York (Hoa Kỳ) đã có bài phát biểu chủ đề “Quy định ngân hàng, thiết kế bảo hiểm tiền gửi và sự ổn định của hệ thống tài chính”.
Theo Giáo sư Kose John, các nghiên cứu có giá trị cao không nên chạy theo trào lưu các chủ đề được trích dẫn nhiều, vốn thường mang tính chu kỳ và có độ trễ, mà cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, có ảnh hưởng thực sự đến ngành ngân hàng.
Ông nhấn mạnh hai chủ đề mang tính kết nối chặt chẽ cần được quan tâm là: ổn định ngân hàng và hệ thống tài chính, cùng với quản lý rủi ro hệ thống.
Giáo sư đặt ra những câu hỏi gợi mở: “Mức vốn tối ưu để hạn chế rủi ro nhưng vẫn đảm bảo ổn định là bao nhiêu?”, hay “Bảo hiểm tiền gửi nên bao phủ toàn bộ hay một phần, và giá tối ưu của nó là gì?”.
Bài phát biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết kế lại các cơ chế bảo hiểm tiền gửi và chính sách khuyến khích để giảm thiểu rủi ro hệ thống trong bối cảnh tài chính ngày càng phức tạp.

Ngoài ra, tại Hội thảo cũng diễn ra Phiên đặc biệt với chủ đề "Xuất bản nghiên cứu Khởi nghiệp & Quản trị - Góc nhìn thực tiễn từ Ban biên tập".
Các bài báo gửi về Hội thảo có cơ hội được được xuất bản trong các tuyển tập của các tạp chí khoa học uy tín như International Journal of Managerial Finance, Journal of Knowledge Management, International Journal of Entrepreneurship and Small Business,...