Trong hai ngày 12 và 13.12, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Đại học Massey tổ chức hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu 2024 (VSCT-2024).
Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu VSCT-2024 nhằm cung cấp một diễn đàn hàng đầu cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia thực hành, nhà hoạch định chính sách trình bày các kết quả nghiên cứu về rủi ro biến đổi khí hậu, môi trường; đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô cũng như chính sách thay đổi năng lượng.
Thông qua việc trao đổi, thảo luận, các học giả Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các dự án nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế. Hội thảo VSCT-2024 thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 43 bài tham luận; đồng thời tiếp đón 2 diễn giả có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu giao thoa giữa năng lượng, môi trường, kinh tế và tài chính là: GS. Sumit Agarwal (Đại học Quốc Gia Singapore, Singapore) và GS. Ian Bateman (Đại học Exeter, Vương Quốc Anh).
Các nghiên cứu của hai học giả này đã được công bố trên các tạp chí nhóm đầu của Kinh tế học năng lượng, môi trường, tài chính và kinh doanh. Ngoài ra, các diễn giả này cũng đang giữ các vai trò quan trọng trong Hội đồng biên tập của các tạp chí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kinh tế học năng lượng, môi trường, tài chính và kinh doanh.
Các phiên chuyên đề của VSCT-2024 liên quan đến các chủ đề như: tài chính/kinh tế hành vi và ý nghĩa của nó đối với quá trình chuyển đổi khí hậu; kinh tế xanh; thị trường carbon; kinh tế tuần hoàn; biến đổi khí hậu: giảm thiểu và thích ứng; biến đổi khí hậu: chính sách và quy định; tài chính khí hậu; rủi ro khí hậu: đánh giá và quản lý; chuyển đổi khí hậu và phục hồi sau COVID-19.
Ngoài ra, còn có một số chủ đề nổi bật được các diễn giả nước ngoài quan tâm, trao đổi tại hội thảo như: chuyển đổi khí hậu và quản lý danh mục đầu tư; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR); các vấn đề về năng lượng và môi trường; thị trường năng lượng và quá trình chuyển đổi năng lượng; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); thị trường tài chính và quá trình chuyển đổi khí hậu; rủi ro địa chính trị và giảm thiểu biến đổi khí hậu; chuyển đổi khí hậu công bằng; công nghệ carbon thấp và đổi mới; quản lý các ngành công nghiệp khai thác; hành vi có trách nhiệm và tính bền vững trong doanh nghiệp gia đình; đổi mới mô hình kinh doanh bền vững; bền vững tinh thần kinh doanh; đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững; sản xuất và tiêu dùng bền vững; các chỉ số hiệu suất chính bền vững...
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh về mối đe dọa toàn cầu của biến đổi khí hậu vượt qua biên giới và lĩnh vực, tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.
Nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính phủ, tập đoàn, xã hội dân sự và giới học thuật để giảm thiểu những tác động có hại của nó và hướng tới một nền kinh tế ít carbon, hiệu quả hơn về tài nguyên và bền vững.
"Hội thảo là diễn đàn để trình bày các nghiên cứu tiên tiến, trao đổi ý tưởng và thảo luận về các giải pháp thực tế cho quá trình chuyển đổi khí hậu, tính bền vững của môi trường và giảm thiểu và thích ứng với biến đổi năng lượng. Đây cũng là cơ hội để các học giả Việt Nam kết nối và hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế, trao đổi kiến thức và phát triển các dự án trong tương lai", PGS.TS Võ Thị Thúy Anh nhấn mạnh.