Hội thảo Phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản

Hà An 26/06/2013 15:44

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tập đoàn tài chính Quốc tế IFC (International Finance Corporation) tổ chức Hội thảo Phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày các chuyên đề về: đánh giá tổng quan thực trạng pháp luật về giao dịch bảo đảm và thực tiễn hoạt động xử lý bảo đảm - đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật; thực tiễn thu nợ từ xử lý tài sản bảo đảm - một số vướng mắc và kiến nghị; một số khó khăn, vướng mắc của Tổ chức tín dụng trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản (quyền đòi nợ, hàng tồn kho); giao dịch cấp tín dụng có bảo đảm bằng quyền đòi nợ và hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh - cơ hội, thách thức và giải pháp; một số vướng mắc trong quá trình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Hà Nội thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sau khi xử lý tài sản bảo đảm và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, pháp luật về giao dịch bảo đảm đã có sự hoàn thiện về căn bản, thống nhất pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tất cả các lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và tín dụng, qua đó tạo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch bảo đảm; tạo lập cơ chế công khai hóa các giao dịch bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu để đánh giá mức độ rủi ro pháp lý trước khi quyết định xác lập các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại... Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại đó là pháp luật hiện hành chưa tạo lập được những đảm bảo pháp lý cần thiết để bên nhận bảo đảm chủ động và đơn phương xử lý tài sản bảo đảm trên các cơ sở các hợp đồng bảo đảm đã được giao kết hợp pháp; thiếu cơ chế và những bảo đảm pháp lý để bên nhận bảo đảm thực hiện quyền thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý; thủ tục xử lý tài sản bảo đảm bằng con đường Tòa án ở Việt Nam còn phức tạp, mất nhiều thời gian, chưa thực sự tạo thuận lợi cho bên nhận bảo đảm thực thi tốt nhất quyền xử lý tài sản bảo đảm... Các đại biểu đề nghị, cần phải có giải pháp hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm để qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm giúp các tổ chức tín dụng nhanh chóng thu hồi nợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích của các bên khác có quyền và lợi ích liên quan...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội thảo Phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO