Đời sống

Hội thảo nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người

Tùng Dương 21/07/2025 11:06

Ngày 20/7, tại phường Hà Giang 1, tỉnh Tuyên Quang, Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người”. Hội thảo là không gian để thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia, đóng góp của nữ giới trong lĩnh vực này.

Vai trò then chốt của phụ nữ

Các chủ đề được thảo luận tại hội thảo bao gồm: Tư tưởng triết học về công bằng xã hội cho phụ nữ và sự vận dụng tại Việt Nam; các vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục quyền con người; vai trò của phụ nữ trong giáo dục và bảo vệ quyền con người; so sánh pháp luật về quyền con người của Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á; hệ sinh thái giáo dục nhân quyền và vai trò của nữ giới.

Các thảo luận này không chỉ cung cấp những góc nhìn đa chiều về vấn đề mà còn đề xuất những giải pháp cụ thể để tăng cường sự tham gia, đóng góp của nữ giới trong việc giáo dục và bảo vệ quyền con người.

z6823510456057_e5b111169c78e895d2cba670b8bac131.jpg
Giám đốc Học viện, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Học viện Tài chính Nguyễn Đào Tùng
phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Học viện Tài chính PGS.TS Nguyễn Đào Tùng đã nhấn mạnh vai trò lịch sử và đương đại của người phụ nữ Việt Nam không chỉ là biểu tượng của sự hy sinh, kiên cường mà còn là chủ thể tích cực trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có bề dày truyền thống nhân văn sâu sắc, trong đó nữ giới luôn được xem là một lực lượng quan trọng, không thể tách rời trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ xây dựng gia đình, phát triển kinh tế đến sự nghiệp giáo dục và đấu tranh vì công bằng, tiến bộ xã hội. Truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” không chỉ là hình ảnh mang tính biểu tượng, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và vai trò trung tâm của phụ nữ trong việc gìn giữ giá trị con người, giá trị dân tộc và phát triển cộng đồng.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi các quốc gia trên thế giới đang không ngừng nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người cho mọi công dân, thì việc nhận diện và phát huy vai trò của nữ giới trong các lĩnh vực này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh.

z6823522346242_b4d5c6f8100c89b4ee7e27ca4b05cec5.jpg
PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà phát biểu kết luận hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ - kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của chuyển đổi số toàn diện, của hội nhập quốc tế sâu rộng, của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, giáo dục và quyền con người không thể bị xem nhẹ, càng không thể thiếu vắng vai trò của nữ giới. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những người phụ nữ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo và có tầm nhìn để tham gia vào việc hoạch định chính sách, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, dẫn dắt nghiên cứu khoa học và bảo vệ những giá trị phổ quát của quyền con người. Để đạt được mục tiêu này, nhất thiết phải phát huy toàn diện vai trò, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức, nữ giáo viên, nữ cán bộ quản lý giáo dục trong cả hệ thống.

Còn nhiều thách thức

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng tới phát triển bền vững, vấn đề giáo dục và bảo vệ quyền con người ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế và các quốc gia. Trong đó, vai trò của nữ giới ngày càng được khẳng định rõ nét với nhiều đóng góp quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục và bảo vệ quyền con người trong xã hội vẫn còn hạn chế, sự hiện diện của các hoạt động này trong đời sống cộng đồng chưa thật sự tương xứng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực tiễn, nữ giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tham gia, đóng góp vào công cuộc giáo dục, bảo vệ quyền con người, nhất là trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng và tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

z6823512033937_f2450b548d5ae445dbf190eee15bdfb7.jpg
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nêu rõ, nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục và bảo vệ quyền con người trong xã hội chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. Thực tế, nữ giới vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình tham gia, đóng góp vào công cuộc giáo dục và bảo vệ quyền con người, nhất là trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng và tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Điều này càng khẳng định sự cần thiết của các diễn đàn học thuật như hội thảo, nhằm làm rõ vai trò, vị trí và những đóng góp của nữ giới trong lĩnh vực quan trọng này.

Tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Ly Mí Páo (Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang) nêu những thách thức từ thực tiễn mà phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phải đối mặt trong vấn đề nâng cao vai trò của họ trong giáo dục và bảo vệ quyền con người, đặc biệt tại tỉnh Tuyên Quang.

Thạc sĩ Ly Mí Páo chia sẻ, trong cuộc sống thường ngày, người phụ nữ dân tộc thiểu số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tham gia phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, người phụ nữ dân tộc thiểu số cũng là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt trong tiếp cận giáo dục và bảo đảm quyền con người.

Những rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán lạc hậu, định kiến giới, và điều kiện kinh tế khó khăn đã hạn chế đáng kể cơ hội của họ. Do đó, việc nâng cao vai trò của nữ giới dân tộc thiểu số trong giáo dục và bảo vệ quyền con người không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

z6823537384526_6cbd2ebac20895d884febc1323f200fe.jpg

Giám đốc Học viện Tài chính Nguyễn Đào Tùng tặng biểu trưng của Học viện Tài chính
cho Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phan Huy Ngọc

Tại hội thảo, các đại biểu cũng có nhiều kiến nghị để phát huy vai trò của nữ giới như: việc xây dựng các chương trình giáo dục quyền con người có lồng ghép giới tính và sự tham gia tích cực của nữ giới trong vai trò giáo viên, người làm công tác quản lý và hoạch định chính sách; tăng cường đầu tư vào các chính sách hỗ trợ phụ nữ ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong các diễn đàn, tổ chức, mạng lưới xã hội về quyền con người và giáo dục quyền con người; thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực về giới và quyền con người trong môi trường giáo dục.

Đây là những ý kiến đóng góp quan trọng, là cơ sở để các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội có thể xây dựng những chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thực sự được hưởng đầy đủ các quyền của mình.

Hội thảo quốc gia “Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người” là một sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định vai trò then chốt của phụ nữ trong tiến trình xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và nhân văn. Đồng thời, hội thảo cũng là lời kêu gọi hành động, hướng tới việc tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn nữa để phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng của mình trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền con người, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội thảo nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO