Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo
Chiều 15.8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo.
Theo Tờ trình dự án Luật, Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Trong những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH của đất nước. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển còn nhiều bất cập. Cụ thể, Nghị định số 25/2009/NĐ – CP quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý, tổng hợp tài nguyên, môi trường biển. Tính pháp lý của Nghị định thấp nên không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định như Luật Biển... Thiếu các quy định để quản lý thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thiếu các cơ chế công cụ định hướng, điều phối hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là ở vùng bờ...
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo trên quan điểm Nghị quyết số 24 – NQ/TW ngày 3.6.2013, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc nâng tầm pháp lý các quy định hiện hành về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bổ sung các quy định còn thiếu để ban hành Luật Tài nguyên Môi trường biển đảo là yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Nhiều đại biểu cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đó là tập trung quy định về quản lý tổng hợp các hoạt động điều tra cơ bản nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; quy định việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển thực hiện theo quy định của Luật Biển Việt Nam.