Cùng dự và chủ trì có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực dân tộc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng Dân tộc tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học, pháp lý, thực tiễn làm cơ sở để đề xuất xây dựng hồ sơ dự án luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ sở nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học... nghiên cứu, trao đổi, thảo luận bước đầu về sự cần thiết ban hành luật về lĩnh vực dân tộc, làm rõ nội hàm, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật này.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm, tập trung làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực dân tộc trong thời gian vừa qua (đặc biệt đối với khoản 5 Điều 70 Hiến pháp về “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”). Các vấn đề vướng mắc trong quá trình lập đề nghị xây dựng các dự án luật về lĩnh vực dân tộc; về sự cần thiết phải ban hành luật về lĩnh vực dân tộc, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và đề xuất định hướng xây dựng các chính sách chủ yếu, tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật và mối quan hệ của dự án luật này với các luật khác đang quy định về chính sách dân tộc…
Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, Luật Dân tộc đã trải qua các giai đoạn, quá trình chuẩn bị soạn thảo 15 năm với 18 lần trình dự thảo lấy ý kiến - một trong những dự luật có thời gian “thai nghén” dài nhất.
Từ quá trình triển khai xây dựng dự án Luật thời gian qua, một số bài học kinh nghiệm được rút ra, đó là phải bám sát chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Trong đó, tập trung phân tích, xác định rõ những điểm mấu chốt trong cách tiếp cận cũng như nội hàm, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật. Xử lý tốt mối quan hệ giữa dự thảo Luật với những nội dung chính sách, pháp luật đã có. Xác định những nội dung cơ bản cần thể hiện đối với dự án Luật, vừa bảo đảm hài hòa trong hệ thống pháp luật chung, vừa thể hiện được những điểm riêng cần có đối với vấn đề dân tộc một cách rõ ràng.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, “về cách làm nên triển khai một cách đồng bộ, khoa học và phải tập hợp, tiếp thu được rộng rãi, đầy đủ chắt lọc ý kiến, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý... trong quá trình chuẩn bị dự án Luật; quy trình, các bước tiến hành phải hết sức cẩn thận, chu đáo và các hồ sơ, tài liệu phải đầy đủ, rõ ràng, có sức thuyết phục, gửi đúng thời gian quy định”...