Giáo dục

Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”: Kim chỉ nam cho đổi mới toàn diện giáo dục

Hồng Hạnh - Thùy Dung 12/05/2025 15:22

Sáng ngày 12/5, Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” đã diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”, được tổ chức với sự phối hợp của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhằm thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt hơn nữa, Hội thảo được tổ chức tại ngôi trường mà trong số những Sắc lệnh đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ký (ngày 10/10/1945), ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, đó là Sắc lệnh số 45 về việc thiết lập một Ban đại học Văn khoa tại Hà Nội - Tiền thân của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, với 120 bài tham luận.

USSH_BacHo voi Giaoduc (38)
Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Kiên định thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người cha kính yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã để lại cho Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản vô cùng cao quý, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh và Thời đại Hồ Chí Minh".

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định: “những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người, thực sự là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Đó là triết lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đó là tầm nhìn: “một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Đó là phương châm: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ”; “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Đó là phương pháp: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Đó là mục đích: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.

"Trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập Nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, với chủ trương xuyên suốt coi “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, để đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

USSH_BacHo voi Giaoduc (22) (1)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Bối cảnh mới đòi hỏi tư duy mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, với sự chuyển biến nhanh, phức tạp chưa từng có theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc và phân tuyến mạnh.

Lực lượng sản xuất mới phát triển mạnh mẽ, đặt ra cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, rô bốt, Internet vạn vật (IoT)… phát triển mạnh và tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực.

Trong nước, cả hệ thống chính trị đang triển khai những quyết sách chiến lược mang tính cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo động lực tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thể hiện quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, phát huy mọi động lực, nguồn lực, giải phóng mọi tiềm năng, khơi thông những điểm nghẽn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bối cảnh mới đòi hỏi phải có tư duy mới, tư duy hành động, nghị quyết hành động để tạo đột phá trong phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực, ngành nghề mới.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng xác định nhiệm vụ giải pháp: Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện đồng bộ chủ trương “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”, với trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Ngày 25/4/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo số 177-TB/VPTW, Thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo… Thông báo nêu rõ đồng ý nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo (tương tự Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị). Nghị quyết này không thay thế các nghị quyết đã có, mà lựa chọn những vấn đề then chốt nhất, điểm nghẽn lớn hiện nay để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

USSH_BacHo voi Giaoduc (37)
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Trong bài viết với tiêu đề “Học tập suốt đời”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân. Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Hội thảo hôm nay, những giá trị trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo sẽ lan tỏa, chuyển hóa mạnh mẽ vào chủ trương, đường lối, chính sách và thực tiễn tổ chức, vận hành nền giáo dục Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi mới của nền giáo dục và đào tạo; đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - nguồn lực, động lực quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam “hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, sánh vai với các cường quốc năm châu, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng cháy bỏng của dân tộc”.

USSH_BacHo voi Giaoduc (15)
z6593926699410_89f16acbaf3f9ff394fad812180897b7.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần “thân giáo”

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Hội thảo hôm nay một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong việc rèn luyện nhân cách, phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đánh giá vai trò của giáo dục, vì vậy ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó cũng chính là thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn , Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, mà với tất cả ý nghĩa đầy đủ và tiêu biểu nhất, Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Phương diện đầu tiên của nhà giáo dục vĩ đại đó chính là ở chỗ truyền cảm hứng và lập chí hướng cho cả một dân tộc và cho mỗi người.

Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần “thân giáo”, tức lấy bản thân mình làm tấm gương để cảm hóa, để giáo dục, để tập hợp và thuyết phục những người đồng chí, học trò và người dân.
Sự mẫu mực trong nhân cách cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong tình cảm bao la bát ngát rộng khắp và sâu nặng của Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu lắng và góp phần tạo ra những giá trị cho dân tộc, cho thời đại, cho chính đảng và cho con người Việt Nam. Người để lại dấu ấn vĩnh viễn trong các giá trị văn hóa, giá trị đạo đức và nhân cách con người Việt Nam hiện tại và mai sau.

Trong bối cảnh mới, để đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá để giáo dục tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, tạo điều kiện và tiền để để phát triển con người trước yêu cầu thời đại mới và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội.

USSH_BacHo voi Giaoduc (53)
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

4 nhiệm vụ của ngành giáo dục trong thời gian tới

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, ngành Giáo dục và đào tạo càng cần phải thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo vẫn giữ nguyên giá trị và tiếp tục là kim chỉ nam cho quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo hiện nay.

Qua Hội thảo này, những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục trong thời gian tới cũng được nhận thức sâu sắc hơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra 4 nhiệm vụ quan trọng với ngành giáo dục trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Hồ Chí Minh về giáo dục. Với di sản càng lớn càng sâu sắc thì mỗi ngày chúng ta lại nhìn thêm những ánh lấp lánh từ di sản ấy. Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành, nhất là trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên. Với học sinh nói chung, nhất là học sinh phổ thông, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập 5 điều Bác Hồ dạy một cách thường xuyên và hiệu quả.

Thứ hai, làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội”; Tổng Bí thư cũng chỉ đạo trong bài viết "Học tập suốt đời": "Chúng ta đang sống trong thời đại mà mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân".

Để thực hiện được tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành Giáo dục sẽ tăng cường giáo dục rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, ứng dụng số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học, tạo ra lớp người mới biết ứng phó và thích ứng với các thách thức của thời đại, của trí tuệ nhân tạo và bùng nổ tri thức.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ. Tiếp tục học tập theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và khát vọng dân tộc, nâng cao cả dân trí và dân khí.

Cần phát huy phương pháp giáo dục đạo đức, phương pháp rèn luyện nhân cách người học của Hồ Chí Minh. Đặc biệt là phương pháp giáo dục tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, tự điều tiết, tự kỷ luật, tự hoàn thiện. Đó là tinh thần cần kiệm liêm chính chí công vô tư, biết liêm sỉ, biết hy sinh. Những thách thức của dân tộc trong kỷ nguyên mới là vô cùng to lớn, cả trí tuệ và phẩm chất con người Việt Nam đều cần phải nâng cao hơn nữa mới có thể gánh vác được trọng trách thời đại.

Thứ tư, tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới. Xây dựng đội ngũ nhà giáo cần mẫu mực, theo tinh thần “mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, với tinh thần và phẩm chất dấn thân và hy sinh, dù khó khăn tới đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt, học tốt.

Các nhà giáo phải trở thành tấm gương không ngừng tự học, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực, kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy học. Trước mắt là thực hiện đầy đủ các hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo

Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” đã nghe các tham luận chất lượng, tâm huyết, đại diện cho tình cảm và trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên đối với chủ đề của Hội thảo.

USSH_BacHo voi Giaoduc (18)
GS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: "Cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, góp phần đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

GS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, thông qua hội thảo, các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác dạy và học, góp phần đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Các bài viết, những ý kiến trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” đều là những bài viết rất chất lượng, đã tập trung làm rõ: Mục đích, nội dung, phương châm, giá trị tư tưởng, triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; Khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thực tiễn trong bức thư đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho học sinh và ngành Giáo dục (9/1945-9/2025); Khẳng định quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần tự học và học tập suốt đời gắn với việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về Học tập suốt đời;
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo: Thành tựu, bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục qua 80 năm hình thành và phát triển gắn với quá trình đổi mới của đất nước. Đồng thời, đề xuất giải pháp đột phá trong vận dụng, phát triển sáng tạo nội dung, giá trị tư tưởng, triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo gắn với việc tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”: Kim chỉ nam cho đổi mới toàn diện giáo dục
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO