Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp”

- Thứ Năm, 21/01/2021, 23:46 - Chia sẻ
Ngày 21.1, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp”, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng”.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo đã tập trung đi sâu phân tích một số vấn đề có tính lý luận về kiểm soát quyền lực cũng như thực trạng kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp để kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. 

Cho rằng, kiểm soát quyền lực là vấn đề khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ không có kết quả, nhiều ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, để kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, cần tập trung vào công tác cán bộ, bởi quyền lực gắn với con người cụ thể. Chủ thể của mọi sự tha hóa quyền lực là công tác đánh giá, bổ nhiệm, giám sát nhân sự, đặc biệt là người đứng đầu không chặt chẽ, chuẩn xác. 

Với kinh nghiệm nhiều năm trong theo dõi, quản lý lĩnh vực đầu tư, mua sắm công, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nêu thực trạng hiện nay, hầu hết cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ tập trung xem xét ở khâu trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật mà về điểm này, các nhóm lợi ích đã chủ động tính toán, chuẩn bị rất kín kẽ trong hồ sơ để không bị bắt lỗi vi phạm, trong khi những thiệt hại rất rõ ràng, ai cũng nhìn thấy. Nếu mục tiêu mua sắm công không đạt được thì đó là vi phạm Luật Đấu thầu. Dù chưa chỉ ra được có hành vi trục lợi cá nhân, vẫn cần quy trách nhiệm của những người liên quan đến quá trình mua sắm, đặc biệt người đứng đầu về mua sắm chi tiêu công không hiệu quả, gây thiệt hại kinh tế. Việc đầu tiên là điều chuyển công tác. "Khi người đứng đầu không còn yên vị, sự thật dễ được phơi bày ra ánh sáng. Những cán bộ kiên trung trong hệ thống, thực sự là công bộc của dân mới dám lên tiếng”, nguyên Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị phải đổi mới công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Trong đó lấy tiêu chí thực chứng, hiệu quả công việc được giao làm căn cứ để đánh giá cán bộ thay vì định tính.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, kiểm soát quyền lực là một khái niệm mới, chính thức được đưa vào Cương lĩnh của Đảng năm 2011 và Hiến pháp năm 2013 với nội dung “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, trở thành nguyên tắc hiến định về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây là lĩnh vực rất mới, rộng, khó và đòi hỏi việc nghiên cứu công phu, chuyên sâu.

Kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là yếu tố có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng. Nhấn mạnh điều này, Trưởng ban Nội chính Trung ương chỉ rõ, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới nhận thức về kiểm soát quyền lực, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện; đã hình thành một bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng bảo đảm “không thể”, “không dám”,”không muốn”, “không cần” tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp; công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tham nhũng “vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả…  

Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến phát biểu, tham luận gửi tới hội thảo để làm cơ sở hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng Đề án. 

Việt Đức