Hội thảo khoa học chính sách phát triển nguồn điện theo hình thức IPP

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 15:57 - Chia sẻ
Sáng nay, 18.9, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực phối hợp với Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về “Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam - Những vấn đề đối với nhà đầu tư”. Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực Hoàng Quốc Vượng chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo quy hoạch điện VIII do Viện Năng lượng nghiên cứu dự báo, nhu cầu sản xuất điện ở kịch bản cơ sở đến năm 2030 khoảng trên 526 tỷ kWh, tương ứng với công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống là 131.000 MW. Với quy mô tổng công suất nguồn điện năm 2019 khoảng 55.900 MW, từ nay đến năm 2030 sẽ cần xây dựng thêm 75.100 MW nguồn điện, trung bình mỗi năm 7.500 MW. Hai năm vừa qua đánh dấu sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió với đại đa số thuộc về các chủ đầu tư tư nhân với tổng công suất lên tới 5.700 MW (chiếm khoảng 10% công suất nguồn điện). Đây là một thông điệp rõ ràng về chủ trương đúng đắn của Nhà nước đi vào cuộc sống trong huy động mọi nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh điện. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thường xuất hiện các khó khăn, vướng mắc như: hạ tầng cơ sở hệ thống lưới điện còn yếu, chưa sẵn sàng để một sớm một chiều tiếp nhận và truyền tải cho dự án nguồn điện với quy mô lớn; sự thiếu đồng bộ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực phát biểu tại Hội thảo  

Tại hội thảo, đại diện các nhà đầu tư IPP và các chuyên gia cho rằng: Bên cạnh những quy định đúng đắn, kịp thời của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối…) vẫn còn một số quy định, hướng dẫn, cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp thực tế phát triển, gây khó khăn trong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực đề xuất tới Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét, sớm ban hành các quy định phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, tạo điều kiện cho các dự án năng lượng phát triển nhanh, bền vững theo định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Cụ thể, Chính phủ cần xem xét tính đặc thù của lưới cho huy động nguồn điện sạch để dành thêm nguồn vốn ưu đãi cho loại công trình lưới này, kéo dài thời gian yêu cầu hoàn vốn, tăng thêm phí truyền tải hợp lý; kéo dài thời hạn áp dụng cơ chế FIT (nhất là đối với cơ chế FIT cho điện gió) thêm 1 đến 2 năm; cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về tiêu chuẩn các loại hình năng lượng tái tạo; Đặc biệt, nên có tính toán quy hoạch cho nguồn điện gió (ngoài khơi) ở khoảng cách xa bờ đến 50-60 km và điện gió (trụ nổi) một cách cụ thể cho giai đoạn 2020 – 2030.

Các đại biểu đại diện nhà đầu tư IPP và các chuyên gia tham dự Hội thảo  

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Đảng và Nhà nước có quan điểm và định hướng, mục tiêu nhất quán về khuyến khích mọi nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân trong và nước ngoài theo các hình thức đầu tư trực tiếp, liên doanh, hay hợp tác công tư (PPP)… tham gia phát triển các dự án điện độc lập IPP, sản xuất, kinh doanh trong thị trường điện Việt Nam hiện nay, cũng như trong tương lai tới. Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương cập nhật tình hình, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các đề xuất với cấp thẩm quyền để ban hành các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các dự án IPP.

Nhật Anh