Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản

26/02/2008 00:00

Từ 25-27.2, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện chính sách pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản dưới sự chủ trì của Phó chủ nhiệm Phan Trung Lý. Tham dự Hội thảo có đại diện của HĐDT, các UB của QH, các ĐBQH, đại biểu HĐND một số tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành hữu quan.

      Dự thảo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản thể chế hóa Điều 23 của Hiến pháp và đã được Chính phủ trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ Ba. Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu về những vấn đề quan trọng nhất của dự án Luật này như: Phạm vi điều chỉnh; Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản; Đối tượng trưng mua, trưng dụng; Thẩm quyền trưng mua, trưng dụng và cơ chế thanh toán, bồi thường cho chủ sở hữu... đến nay vẫn rất khác nhau. Theo đa số đại biểu, để đưa ra được một đạo luật chuẩn mực về vấn đề này, cần giải mã chính xác ý nghĩa Điều 23 của Hiến pháp; Xác định những trường hợp nào là vì lý do quốc phòng, an ninh và những trường hợp nào là vì lợi ích quốc gia; Từ đó chỉ ra tình huống nào là thật cần thiết thì mới xác định được cần trưng mua, trưng dụng cái gì và thủ tục tiến hành như thế nào. Để tránh lạm dụng việc trưng mua, trưng dụng tài sản, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhiều đại biểu đề nghị cần phải hạn chế hết mức thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản và việc trưng mua tài sản nhất thiết phải được thể hiện bằng văn bản; Các trường hợp khẩn cấp phải trưng dụng tài sản bằng lời nói thì cần được quy định cụ thể ngay trong Luật; Việc thanh toán, bồi thường tài sản bị trưng mua, trưng dụng phải được thực hiện theo cơ chế thị trường. Trước thực trạng 26 văn bản pháp luật hiện hành có quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản nhưng cách hiểu không thống nhất dẫn đến phạm vi trưng mua, trưng dụng tài sản trên thực tế đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định của Hiến pháp, các đại biểu cũng kiến nghị: Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản nếu được ban hành phải là đạo luật gốc, trên cơ sở đó, Chính phủ xác định những nội dung cần phải sửa đổi hoặc bãi bỏ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

P. Thúy

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO