Hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

- Thứ Bảy, 09/06/2018, 17:08 - Chia sẻ
Ngày 9.6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Lập pháp của UBTVQH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động có vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tác động đến tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo lập chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động. Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền nêu rõ, Bộ Luật Lao động hiện hành đã phát huy vai trò là cơ sở pháp lý để xác lập, thay đổi, chấm dứt, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, trước các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và thể chế hóa một cách toàn diện Hiến pháp năm 2013, một số quy định của Bộ luật không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn như: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công… Trước thực tế này, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, hoàn thiện, đáp ứng đòi hỏi ngày càng đa dạng, linh hoạt trong các quan hệ hợp đồng lao động và thị trường lao động, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại Hôi thảo

Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cần thiết để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quan hệ lao động, về chính sách tiền lương, về thỏa thuận lao động, về thời giờ làm thêm, quyền lợi của người lao động thuộc nhóm yếu thế… nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động. 

Liên quan đến chính sách tiền lương, thực tế thi hành Bộ luật Lao động thì việc chi trả lương, xây dựng bảng lương cho người lao động do doanh nghiệp tự quyết định. Việc pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng thang, bảng lương nhưng chỉ để nhằm gửi cho cơ quan nhà nước biết và làm cơ sở thỏa thuận tiền lương với người lao động, theo đại diện một số doanh nghiệp dự Hội thảo cho rằng, đây chỉ là một biện pháp mang tính hình thức, không thực tế và làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Do đó, cần bỏ thủ tục hành chính gửi thang bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước.


Toàn cảnh Hội thảo

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ là cần thiết nhưng nên có quy định mở về chế độ làm việc và thời gian làm việc, bảo đảm có lộ trình hợp lý, tránh gây sốc cho người lao động. Đối với giải quyết tranh chấp lao động và đình công, các ý kiến cũng cho rằng, thời hiệu yêu cầu giải quyết, trình tự thủ tục đình công, cơ chế xử lý vi phạm hiện hành vẫn khó thực thi trên thực tế. Cơ chế đảm bảo quyền đình công và giải quyết đình công còn hình thức. Do đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế hòa giải và trọng tài trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể một cách có hiệu quả, trong đó, có việc tạo cơ chế linh hoạt hơn để các bên tranh chấp tự quyết định và lựa chọn các thiết chế tài phán phù hợp, không áp dụng bắt buộc phải theo trình tự quá cứng nhắc.

Tin và ảnh: Hà An