Hội thảo Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông
* Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu dự.
![]() Toàn cảnh Hội thảo |
Ngày 4.3, tại Thanh Hóa, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - những giá trị lịch sử và đương đại. Đây là hoạt động nhân dịp 520 năm ngày mất của vua Lê Thánh Tông.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu dự.
Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc, cùng các chuyên gia lịch sử và pháp luật...
![]() Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu Khai mạc Hội thảo |
Khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, hội thảo này không chỉ là dịp để các thế hệ luật gia, các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc; còn là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách trị quốc an dân dưới triều Lê Thánh Tông, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là thực hiện các chủ trương lớn về cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân do dân và vì dân.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, từ những giá trị tư tương pháp trị và đức trị của của vua Lê Thánh Tông cho thấy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội phải tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đồng thời phải biết phát huy đầy đủ, sâu sắc các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kết hợp hài hòa, mẫu mực giữa đức trị và pháp trị. Để làm được điều này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần tiếp tục khẳng định và tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” trong toàn bộ công việc quản trị quốc gia (từ xây dựng chính sách, pháp luật đến thi hành chính sách, pháp luật). Theo đó, không một ai nằm ngoài “pháp luật”, đứng trên “pháp luật”, đặc biệt là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý xã hội của Nhà nước, quản trị quốc gia mà còn là công cụ để nhân dân làm chủ, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước.
![]() Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, cần tiếp tục phát huy vai trò và giá trị truyền thống, tốt đẹp của đạo đức trong quản trị quốc gia, nhất là các giá trị đạo đức đóng vai trò động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; coi trọng và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhân cách độc lập; đa dạng hoá không gian cho sự phát triển của cá nhân, xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển của các nhân tài làm động lực cho sự phát triển xã hội. Do đó pháp luật phải lấy các giá trị đạo đức tốt đẹp, lấy công bằng, nhân bản và hiệu quả làm cơ sở; tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tạo cơ hội bình đẳng thực sự cho mọi người dân theo đúng tinh thần Hiến pháp “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội ”