Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản đại diện của nhân loại
Là loại hình dân ca nghi lễ, có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, liên quan mật thiết đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan từng đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, năm 2011, UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
![Khi được UNESCO ghi danh, di sản hát Then được bảo tồn và quảng bá mạnh mẽ. Ảnh: Th. Nguyên Khi được UNESCO ghi danh, di sản hát Then được bảo tồn và quảng bá mạnh mẽ. Ảnh: Th. Nguyên](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/d8d2c18b750d001526a29a169a059c3a0bd0d3fe46a1a4db719c8abd3463cfb9013040cef9d1844cbf92208fc2187684/img-5009-original.jpg)
TS. Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, sau khi hát Xoan được UNESCO ghi danh, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị giai đoạn 5 năm và từng năm với những biện pháp cụ thể như: kiểm kê cập nhật và tư liệu hóa các bài bản; chăm lo bồi dưỡng nghệ nhân và đào tạo các nghệ nhân kế cận, ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân; tổ chức hoạt động truyền dạy trong các phường Xoan gốc và cộng đồng; phục hồi không gian văn hóa và tục lệ nghi thức liên quan đến thực hành hát Xoan; tuyên truyền quảng bá, đưa hát Xoan vào trong nhà trường… Qua đó đã phục hồi và tạo sức sống bền vững cho di sản. Tất cả 31 bài bản Xoan cổ do nghệ nhân lão thành nắm giữ đã được thực hành, tư liệu hóa và trao truyền cho lớp kế cận.
Những nỗ lực ấy của Phú Thọ đã được UNESCO ghi nhận khi năm 2017, hát Xoan ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với các hoạt động kết hợp bảo tồn với khai thác hợp lý đã từng bước tạo sức sống, đưa hát Xoan đến với đông đảo công chúng.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã được quảng bá mạnh mẽ, tạo cú hích cho bảo tồn tốt hơn trong đời sống. Năm 2019, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc ghi danh đã mở ra cơ hội thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị thực hành then. Tại nhiều địa phương đã thành lập các câu lạc bộ, mở lớp truyền dạy, tổ chức cuộc thi… qua đó thúc đẩy, khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ tích cực tham gia lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Hoạt động hát then cũng đã trở thành sản phẩm du lịch không thể thiếu tại các điểm tham quan ở các địa phương. Ông Dương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn, chia sẻ: từ năm 2010, Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn quan tâm đầu tư và phát triển, mở các lớp dạy hát then, đàn tính, xây dựng Đội văn nghệ phục vụ du lịch cộng đồng. Hát Then đã tạo ra sức hút lớn cho du lịch cộng đồng tại địa phương. Năm 2024, Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đã đón trên 12.000 lượt khách lưu trú qua đêm và trên 80.000 lượt khách trải nghiệm trong ngày. Việc trình diễn hát then giúp du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Tày…
Lấp “khoảng trống” trong bảo tồn
Ca trù được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2009. Nhìn lại chặng đường bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này, PGS.TS. Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia nhận định: Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng mừng thông qua các hoạt động như truyền dạy, tổ chức liên hoan, quảng bá ở các địa phương có ca trù.
![Khi được UNESCO ghi danh, di sản hát Then được bảo tồn và quảng bá mạnh mẽ Khi được UNESCO ghi danh, di sản hát Then được bảo tồn và quảng bá mạnh mẽ](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/d8d2c18b750d001526a29a169a059c3ad4ea8accc523e1a86a511ec5aa24b6e9013040cef9d1844cbf92208fc2187684/img-5003-original.jpg)
Khi được UNESCO ghi danh, di sản hát Then được bảo tồn và quảng bá mạnh mẽ
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thể đưa ca trù ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, bởi nhiều nguyên nhân. Số lượng nghệ nhân ca trù còn lại rất ít và tuổi cao, sức yếu, không đủ khả năng truyền dạy; không gian trình diễn cổ xưa bị biến đổi bởi nhiều yếu tố. Nhiều hoạt động, sinh hoạt ca trù tuy đã được phục dựng, phục hồi, nhưng bị “nhòe mờ” yếu tố đặc sắc riêng có của loại hình nghệ thuật này. Quá trình thực hiện trao truyền, luyện tập, thực hành ca trù phần lớn vẫn tự phát; nhiều địa phương thực hiện bảo tồn ca trù tốt, nhưng cũng có địa phương chưa thực sự quan tâm...
PGS.TS. Lê Văn Toàn cho rằng, ca trù cần được đầu tư nhiều hơn trong hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, thực hành, truyền dạy. Vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay là tổ chức truyền dạy, thực hành ca trù bảo đảm đúng “phong cách, diện mạo” vốn có của nó. Bên cạnh đó, cần sáng tạo, đa dạng cách thức để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ di sản sống bền vững, đưa ca trù sớm vượt qua ranh giới cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành sản phẩm văn hóa phi vật thể mang lại nguồn lợi trong dịch vụ du lịch, nghệ thuật.
Cùng là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm sau khi được UNESCO ghi danh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy tri thức, kỹ thuật, kỹ năng làm gốm; xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn nghề làm gốm Chăm; tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản tới công chúng trong và ngoài nước...
Dành nhiều năm nghiên cứu gốm Chăm, PGS.TS. Trương Văn Món, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, hiện nay, gốm Bàu Trúc đã được quan tâm, thu hút du khách nhiều hơn, tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, gốm Chăm vẫn phải đối mặt với nguy cơ mai một do sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa công nghiệp giá rẻ và sự thay đổi trong nghề truyền thống. Bảo tồn không chỉ là giữ gìn sản phẩm gốm mà còn bảo vệ nghề và tri thức dân gian. Bởi vậy, cần có giải pháp thiết thực nhằm duy trì nghề làm gốm truyền thống và phát triển hoạt động du lịch gắn với gốm.
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại, nhất là các loại hình có nguy cơ mai một, là một quá trình lâu dài và đầy thách thức. Việc UNESCO ghi danh - sự ghi nhận giá trị toàn cầu có thể trở thành cú hích quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản khi có các giải pháp đồng bộ, sự chung tay của các cấp chính quyền, nhà khoa học, nghệ nhân và cộng đồng.