Các nước châu Á - Thái Bình Dương trước đại dịch Covid-19

Hồi phục không đồng đều

- Thứ Ba, 30/03/2021, 08:28 - Chia sẻ
Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tốc độ phục hồi kinh tế không đồng đều từ đại dịch Covid-19, do khả năng ngăn chặn dịch bệnh và thời gian phân phối vaccine. Các dự báo của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy, khu vực này sẽ chịu hậu quả của virus Corona trong nhiều năm tới.

3 tốc độ

Theo The Diplomat, bản cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), công bố hôm 26.3 dự đoán rằng, nền kinh tế của toàn khu vực sẽ tăng trưởng 7,4%, tăng từ mức thấp 1,2% năm 2020. Điều này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, mà báo cáo dự kiến sẽ tăng 8,1% trong năm nay so với 2,3% năm ngoái. Cho đến nay, đây là tốc độ tăng trưởng dự kiến lớn nhất cho khu vực.

Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng sẽ chỉ ở mức 4,4% trên toàn khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, một sự cải thiện so với mức giảm 3,7% mà khu vực đã chứng kiến vào năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình dài hạn của khu vực.

Theo báo cáo của WB, châu Á - Thái Bình Dương sẽ trải qua “ba tốc độ phục hồi” từ đại dịch Covid-19, phần lớn là do bùng phát Covid-19 tại chỗ và sự chậm trễ dự kiến trong việc phân phối vaccine trong khu vực. “Giống như Hydra, quái vật nhiều đầu trong thần thoại Hy Lạp, Covid-19 đang tỏ ra khó bị trấn áp ngay cả một năm sau khi trường hợp đầu tiên được xác nhận ở Vũ Hán”, báo cáo nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng Malaysia, Campuchia, Myanmar, Mông Cổ và Thái Lan đều đã chứng kiến những đợt bùng phát gần đây sau nhiều tháng với lượng ca nhiễm tương đối thấp.

Báo cáo cho thấy, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam vượt qua mức tăng trưởng trước đại dịch, trong khi đối với hầu hết các nền kinh tế lớn, sản lượng trung bình vẫn thấp hơn khoảng 5% so với mức trước đại dịch. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc đảo Thái Bình Dương, 5 trong số đó - Samoa, Tonga, Palau, Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia - sẽ trải qua một năm 2021 tăng trưởng âm nữa.

Hiệu quả kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả của việc ngăn chặn virus, khả năng tận dụng sự hồi sinh của thương mại quốc tế và năng lực của các chính phủ trong việc hỗ trợ tài chính và tiền tệ. Các quốc gia không thể khôi phục hoàn toàn các ngành xuất khẩu hoặc các nước phụ thuộc quá nhiều vào du lịch sẽ gặp thách thức lớn nhất trong việc đạt được mức tăng trưởng thậm chí khiêm tốn vào năm 2021. Phần lớn cũng phụ thuộc vào tốc độ và hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng, bị che phủ bởi nguy cơ các biến thể dễ lây truyền hơn của Covid-19 sẽ cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế.

Việt Nam được dự đoán là quốc gia có thành tích tốt nhất khu vực Đông Nam Á, giống như năm 2020, khi là quốc gia duy nhất trong khu vực tránh được suy thoái. Theo WB, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, tăng từ 2,9% năm 2020.

Ở Indonesia (4,4%) và Malaysia (6%), sản lượng dự kiến sẽ phục hồi mức trước đại dịch trong năm 2021. Nhưng ở Philippines (5,5%) và Thái Lan phụ thuộc vào du lịch (3,4%), sản lượng có thể duy trì ở dưới mức trước đại dịch vào năm 2022, trong khi Campuchia (4%) và Lào (4,6%) vẫn có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi mức kinh tế đã bị mất bởi Covid-19.

Dự báo đáng lo ngại nhất là Myanmar. Do cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nổ ra kể từ khi quân đội nắm quyền vào ngày 1.2, nền kinh tế nước này có khả năng giảm 10%, mức thay đổi đáng kể so với dự báo tháng 12 của WB là tăng trưởng 2% cho năm 2021. Tình trạng bấp bênh ở Myanmar là lý do WB không dự báo số liệu tăng trưởng kinh tế của nước này năm nay.

Giữa những dự báo không mấy lạc quan đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhanh chóng trở lại tăng trưởng tích cực, và tầm quan trọng tiếp theo của nó đối với sự phục hồi của khu vực, có khả năng củng cố mối quan hệ kinh tế của đất nước gấu trúc với nhiều quốc gia trong khu vực. Đại dịch Covid-19 gây ra lo ngại ở một số nước có mức độ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc có thể khiến mối quan hệ của họ với khu vực trở nên sâu sắc hơn.

Nguồn: iStock

Những vết sẹo dài

WB tuyên bố, ngay cả khi các quốc gia trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, Covid-19 có khả năng để lại những "vết sẹo" lâu dài, bao gồm tỷ lệ đói nghèo tăng mạnh và sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập ở nhiều nơi trong khu vực.

Báo cáo nêu rõ: “Do khó khăn về kinh tế, tỷ lệ nghèo trong khu vực đã ngừng giảm lần đầu tiên sau 20 năm và 32 triệu người đã được ngăn thoát nghèo. “Sự cạn kiệt nguồn vốn vật chất và con người còn nghiêm trọng hơn ở những người nghèo vì họ bị mất an ninh lương thực và mất khả năng học tập nhiều hơn”.

Báo cáo cũng ghi nhận một điều đáng báo động là sự gia tăng bạo lực gia đình trong bối cảnh lệnh đóng cửa và phong tỏa vì Covid-19 vẫn còn đó cùng với căng thẳng kinh tế đi kèm. Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nói với Nikkei Asia rằng, khu vực này được đặt trong “sự gia tăng bất bình đẳng theo nhiều khía cạnh khác nhau, giữa người nghèo và người giàu, nam và nữ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn”.

Con đường phía trước vẫn chưa chắc chắn. Mặt khác, sự khởi đầu phục hồi kinh tế toàn cầu vào năm 2021, được hỗ trợ bởi các nỗ lực kích thích của Chính phủ Mỹ, sẽ “hồi sinh thương mại hàng hóa và có thể tạo ra động lực bên ngoài để tăng trưởng trung bình khoảng 1 điểm phần trăm”.

Mặt khác, du lịch toàn cầu dự kiến sẽ duy trì dưới mức trước đại dịch cho đến năm 2023, làm chậm sự phục hồi kinh tế các quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương vốn đặc biệt phụ thuộc vào du lịch. Tuần qua, hiệp hội các đại lý du lịch Campuchia dự đoán, ngành du lịch của quốc gia này sẽ mất 5 năm để phục hồi về mức năm 2019.

WB dự báo tương đối khả quan đối với một số quốc gia nhưng cũng tương đối xấu đối với những quốc gia khác, cho thấy châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn phải mang dấu ấn của Covid-19 trong nhiều năm tới.

Ngọc Minh