Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, gồm 7 dự án luật: Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Công an thành phố Đại tá Nguyễn Thành Long đã trình bày tóm tắt dự thảo 7 dự án luật nêu trên và nhấn mạnh rằng đây là những dự án Luật có ý nghĩa chính trị và pháp lý rất quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc giúp lực lượng Công an nhân dân chủ động trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về an ninh, trật tự; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xuất phát từ thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự của lực lượng Công an nhân dân trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa được quy định cụ thể hoặc chưa phù hợp với một số luật chuyên ngành, từ đó làm giảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả trước khi trình Quốc hội khóa XV các dự thảo các dự án luật nêu trên, việc lấy ý kiến từ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố, các cơ quan, ban ngành, Nhân dân trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là các Đại biểu Quốc hội Thành phố là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng.
Tại hội nghị, đại diện chỉ huy các phòng chức năng Công an thành phố đã báo cáo một số góp ý về dự thảo 7 dự án luật về thực trạng, những vấn đề phát sinh, khó khăn vướng mắc, công tác phối hợp trong thi hành luật và những đề xuất, kiến nghị đối với từng dự thảo luật, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập.... Các ý kiến thảo luận đều được đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội và đại diện các sở ban ngành ghi nhận, tổng hợp nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo Bộ Công an trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm bảo đảm khu dự án luật được ban hành sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Công an thành phố nghiên cứu tới tính đồng bộ, tính thực tiễn của việc ban hành 7 dự án luật nêu trên trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam; đánh giá việc đáp ứng tình hình thực tế của các cơ quan tổ chức và người dân trong việc ban hành các dự án luật này do các dự thảo luật nêu trên là những luật mới trong hệ thống luật Việt Nam nhưng đã tồn tại trong hệ thống luật quốc tế và tác động trực tiếp tới quyền con người.
"Thủ đô Hà Nội có đặc thù riêng biệt, không giống với các tỉnh thành khác, có vị trí chiến lược trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nên các ý kiến góp ý dự thảo luật của Công an thành phố cần tập trung hơn nữa vào vấn đề đặc thù này để các dự án luật phù hợp với tình hình Thủ đô. Công an thành phố cần sớm hoàn thiện báo cáo tổng hợp các nội dung đóng góp ý kiến, những khó khăn và đề xuất để Đoàn Đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đánh giá trước khi báo cáo Bộ Công an trình Quốc hội" Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai nhận định.

Kết luận Hội nghị, Giám đốc Công an thành phố Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng ghi nhận và tiếp thu các nội dung phát biểu của các đồng chí thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Trong thời gian tới tiếp tục mong muốn nhận được sự ủng hộ, đồng tình của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, và các cơ quan, ban ngành, địa phương của Thành phố đối với các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để Bộ Công an sớm hoàn thiện 7 dự án Luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về sự cần thiết xây dựng 7 dự án Luật; các sở, ban ngành quan tâm, phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.
“Công an thành phố rất mong các cơ quan, thông tấn báo chí tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng với lực lượng Công an Thủ đô đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tình hình, kết quả các mặt công tác của lực lượng Công an thành phố, trong đó có công tác tuyên truyền, xây dựng và thông qua 7 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo để người dân trên địa bàn hiểu rõ sự cần thiết, vị trí, vai trò của 7 dự án Luật, cũng như tầm quan trọng của 7 dự án Luật trong đời sống xã hội và công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố” Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.