Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44: Nông nghiệp phải là trọng tâm đầu tư

Hồng Loan 07/05/2011 07:19

Đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp đã trở thành đòi hỏi nóng bỏng trong các phiên họp của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Không ai có thể yên lòng khi giá lương thực - thực phẩm ở châu Á tăng bình quân 10% trong 3 tháng đầu năm nay có thể đẩy thêm 64 triệu người xuống dưới ngưỡng nghèo khó, thu nhập dưới 1,25 USD/ngày- con số của ADB.

Chừng một tuần trước Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội, ADB công bố báo cáo Lạm phát giá lương thực toàn cầu và các nước đang phát triển châu Á, theo đó, giá lương thực tăng mạnh đang đe dọa tăng trưởng kinh tế ở châu Á và đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực. Nhà kinh tế trưởng của ADB Changyong Rhee hôm đó nói rằng, người ta nhắc tới châu Á như là nơi kinh tế đang bùng nổ và là trung tâm tăng trưởng của toàn cầu mà quên rằng, châu Á quy tụ hai phần ba số người nghèo của thế giới.

Nhóm họp tại Hà Nội tuần này, 67 nước thành viên của ADB không quên thực tế đó. Đại diện của Ấn Độ thừa nhận, lạm phát có xu hướng tăng cao trong khu vực hiện nay đang gây ra những tác động bất lợi với tầng lớp dân nghèo ở mỗi quốc gia và cả khu vực. Cùng quan điểm, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính phụ trách thị trường quốc tế và phát triển của Mỹ Marisa Lago cho rằng, lạm phát cao đi kèm với giá lương thực và nhiên liệu tăng cao đang đe dọa sự phục hồi của khu vực châu Á. Trong phiên thảo luận mở cuối giờ chiều ngày 5.5 giữa các nước thành viên của ADB với một số đối tác,  Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Kim Chông Soo một lần nữa nhắc lại, giờ chưa phải là thời điểm châu Á mở champagne ăn mừng khi vẫn còn nhiều thách thức trong ngắn, trung và dài hạn, trong đó có lạm phát giá lương thực và năng lượng.

Mật độ dân số cao và sự phân bổ thu nhập không đồng đều làm cho người dân ở châu Á dễ bị tổn thương bởi sự tăng giá lương thực. Người nghèo ở châu Á dùng tới hai phần ba thu nhập để mua lương thực, thực phẩm. Và khi giá lương thực và nhiên liệu tăng lên như hiện nay, người ta không còn nhiều tiền để mua các mặt hàng khác. Trong khi đó, tầng lớp dân nghèo lại chưa được hỗ trợ thích đáng về lương thực và năng lượng để chống chọi với cú sốc này. Theo ADB, tình trạng giá lương thực tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á tăng khoảng 10% có thể đẩy thêm 64 triệu người trong khu vực lâm vào cảnh nghèo cùng cực.

Giá lương thực sẽ tiếp tục tăng, dừng lại hay giảm xuống còn tùy thuộc nhiều yếu tố ở từng quốc gia riêng rẽ. Dù vậy, tại phiên họp toàn thể đầu tiên vào chiều 5.5 nhiều Thống đốc Ngân hàng Trung ương đến từ các quốc gia thành viên của ADB cũng như các đại biểu đến từ các quốc gia lớn trên thế giới thống nhất rằng, ADB cần dành thêm nguồn tài chính, đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp ở các quốc gia trong khu vực châu Á nhằm tăng cường an ninh lương thực, chống lại tình trạng lạm phát do giá lương thực tăng cao như hiện nay. Theo đại diện của Đức, ADB cần đưa nông nghiệp trở lại danh sách trọng tâm đầu tư của mình trong thời gian tới, để đảm bảo an ninh lương thực khu vực, chống chọi hiệu quả với nạn lạm phát và giá cả lương thực tăng cao. Đại diện ấËn Độ đề nghị, cùng với ưu tiên dành nguồn lực cho mục tiêu giảm nhẹ thiên tai, ADB cần thúc đẩy đầu tư vào khu vực nông nghiệp, tăng cường sự liên kết thông qua hình thức hợp tác công - tư để phát triển nguồn nước, giống, nhằm hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển.

Điều quan trọng là các quốc gia châu Á sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp như thế nào sau khi Hội nghị thường niên lần thứ 44 ADB kết thúc? Và ở từng quốc gia, mối quan tâm đối với nông nghiệp được cụ thể hóa ra sao thông qua việc phân bổ các nguồn lực - vốn dĩ hạn hẹp?

Riêng với Việt Nam, tính đến tháng 3.2011, ADB đã cam kết cung cấp gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cùng với năng lượng, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên chiếm vị trí thứ 2 trong số các ngành có tỷ trọng vay vốn ADB lớn nhất cùng với mức 16%; giao thông chiếm vị trí đầu với 37%. .

Phó trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) Hoàng Văn Xô cho biết, những dự án trong lĩnh vực nông nghiệp do ADB tài trợ đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp và nông thôn. Thu nhập của người dân ở trong vùng dự án tăng 2,3 lần so với trước khi có dự án, chi phí vận chuyển nông sản cũng giảm tới 60%, ông Xô nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên để trong 5 năm tới, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010…

Các dự án vốn vay ADB của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2011:

- Dự án Phát triển hệ thống kênh tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc hệ thống tưới Cửa Đạt với tổng vốn đầu tư 115 triệu USD, trong đó, vốn vay ADB là 80 triệu USD.

- Dự án Hồ chứa nước Phước Hòa (bổ sung) có tổng vốn đầu tư là 120 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 60 triệu USD.

- Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai lũ và hạn tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) có tổng vốn đầu tư là 80 triệu USD.

- Trợ giúp kỹ thuật chuẩn bị dự án sử dụng vốn không hoàn lại ADB được triển khai nhằm hiện đại hóa hệ thống tưới khu vực trung và đông bắc Đồng bằng sông Hồng, với số vốn 800.000 USD và Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn Tây Nguyên, tỉnh Bình Phước với số vốn 1 triệu USD.

Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44: Nông nghiệp phải là trọng tâm đầu tư ảnh 2

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44: Nông nghiệp phải là trọng tâm đầu tư
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO