Hội nghị quốc tế lớn nhất từ 1945 và cơ hội lớn đóng góp cho phát triển bền vững
Từ ngày 28.3 đến 1.4.2015, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội nghị quốc tế, mang tính đa phương toàn cầu lớn nhất được tổ chức ở Việt Nam kể từ 1945.
Diễn đàn nghị viện toàn cầu lớn nhất
IPU được thành lập từ năm 1889 trước khi Hội Quốc Liên (năm 1919), rồi Liên Hợp Quốc (năm 1945) ra đời, lúc đầu chủ yếu chỉ gồm các nước châu Âu đang chứng kiến biến động lịch sử. Ngay từ đầu, IPU đã được xác định là một diễn đàn mở để nghị sỹ các nước trao đổi quan điểm nhằm kiến tạo hòa bình thông qua đối thoại.
Chính khi Anh và Pháp mâu thuẫn, hai nghị sỹ William Randal Creamer (người Anh, 1828 -1908) xuất thân từ gia đình nghèo khó và Frédéric Passy (người Pháp, 1882 - 1912) xuất thân từ gia đình thượng lưu, nhưng với tầm nhìn xuyên thời đại, mang trong mình khát khao hòa bình và dân chủ, đã khởi xướng việc tổ chức hội nghị đầu tiên ở Paris, Pháp (29-30.6.1889) với sự tham gia của 96 nghị sỹ từ 9 nghị viện sáng lập là Pháp, Anh, Đan Mạch, Hungary, Liberia, Tây Ban Nha, Mỹ, Italy... Hội nghị đã thông qua việc thành lập Hội nghị Liên nghị viện về Trọng tài, 10 năm sau được đổi thành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU, 1899).
Sinh ra trong thời loạn lạc ở châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tính đa dạng và mâu thuẫn giữa các đảng phái trong mỗi nước và nghị viện thành viên, mâu thuẫn ý thức hệ, thay đổi so sánh lực lượng, mâu thuẫn giữa chính các thành viên chủ chốt của IPU, hai cuộc Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) và thứ hai (1939 -1945), rồi Chiến tranh lạnh (từ sau 1947 đến cuối những năm 1980)... đã thách thức và hạn chế vai trò của IPU.
Tuy nhiên, những đóng góp của IPU cho hòa bình thế giới vẫn được ghi nhận, thể hiện rõ nhất trong việc các ông Frédéric Passy, Tổng thư ký đầu tiên của IPU, Albert Gobat và William Randal Creamer là 3 chính khách đầu tiên được lần lượt trao giải thưởng Nobel vì hòa bình năm 1901, 1902, 1903. Với số lượng thành viên IPU tăng nhanh từ 9 thành viên sáng lập chủ yếu từ châu Âu (năm 1889) đã tăng lên 145 sau 100 năm (1989), nay là 166 (năm 2015), 10 thành viên liên kết và 67 quan sát viên từ các châu lục, IPU đã thực sự trở thành một tổ chức nghị viện mang tính toàn cầu.
Trong hơn 125 năm tồn tại, IPU luôn đấu tranh cho những ý tưởng và giá trị cao đẹp của nhân loại là hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bảo vệ quyền con người, hợp tác và phát triển. IPU có 4 mục tiêu chính là: Thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm; Tham vấn về các vấn đề quốc tế; Đóng góp bảo vệ nhân quyền là yếu tố quan trọng để xây dựng dân chủ và phát triển; Nâng cao nhân thức và hiệu quả nghị viện. IPU tập trung 3 lĩnh vực: tăng cường dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; phát triển bền vững.
IPU đã giúp tổ chức Hội nghị hòa bình quốc tế ở Hà Lan (năm 1899 và 1907) đặt cơ sở cho hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại, làm diễn đàn đầu tiên cho các kẻ thù trong Thế chiến thứ nhất đối thoại hòa bình, kêu gọi hạ rào cản thương mại (những năm 1920); ra Nghị quyết lên án phân biệt đối xử với phụ nữ (1975); thành lập Ủy ban về nhân quyền của các nghị sỹ (1976); thông qua Tuyên bố về tiêu chuẩn bầu cử tự do và công bằng (1994); ra ấn phẩm Nghị viện và Dân chủ trong thế kỷ XXI: Hướng dẫn những thực hành tốt (2006); thúc đẩy hình thành và thực hiện 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (MDGs, 2000 - 2015)...
Đại hội đồng lúc chuyển giao giai đoạn phát triển
2015 là năm cuối cùng (2000 - 2015) thực hiện 8 Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên Hợp Quốc. Từ khoảng năm 2010 khi thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 -1933, Liên Hợp Quốc và IPU bắt đầu rà soát lại việc thực hiện MDGs và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo, để trình Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc thông qua (9.2015) cho giai đoạn 2016 - 2030. Một trong những bài học rút ra từ việc định hình và thực hiện MDGs là nghị viện các nước và IPU cần có vai trò lớn hơn trong việc hoạch định và thực hiện những Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau 2015. Tháng 9.2014, Liên Hợp Quốc và IPU đã ký Thỏa thuận hợp tác, một phần để thúc đẩy quá trình này.
Chủ đề bao trùm của Đại hội đồng IPU - 132 là: Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): Biến lời nói thành hành động do Việt Nam đề xuất và cùng IPU hoàn chỉnh. Các đoàn tham dự sẽ trình bày những đóng góp về định hình các SDGs, vai trò của QH trong quá trình định hình, thực hiện và giám sát quá trình thực hiện SDGs, để biến những lời văn trong các mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, nghị quyết của các Quốc hội/Nghị viện và IPU thành hành động thực tiễn.
Là một phần của phiên họp toàn thể, Đại hội đồng cũng sẽ trao đổi, bỏ phiếu lựa chọn chủ đề thảo luận và có thể thông qua nghị quyết về vấn đề khẩn cấp trên thế giới.
4 Ủy ban Thường trực của IPU sẽ thảo luận những chủ đề đang là những vấn đề mang tính toàn cầu được dư luận quốc tế quan tâm. Ủy ban Thường trực 1 sẽ thảo luận và dự kiến thông qua Nghị quyết về chủ đề Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Nếu được thông qua, thì đây là lần đầu tiên IPU thông qua Nghị quyết về chiến tranh – an ninh mạng. Ủy ban Thường trực 2 sẽ thảo luận và dự kiến thông qua Nghị quyết về chủ đề Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy nghị viện hành động về vấn đề nước (do Việt Nam và Bhutan cùng đề xuất). Nếu được thông qua, thì đây cũng là lần đầu tiên IPU thông qua một nghị quyết về chủ đề Nước. Ủy ban Thường trực 3 dự kiến thông qua Nghị quyết về chủ đề Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người không được thông qua tại Đại hội đồng - 131 (10.2014), thảo luận về các chủ đề Dân chủ trong kỷ nguyên số, Tiếp cận y tế như một quyền cơ bản: Vai trò của các nghị viện trong việc giải quyết các thách thức về đảm bảo sức khỏe Phụ nữ và trẻ em...; Ủy ban Thường trực 4 mới thành lập sẽ thông qua báo cáo về hợp tác giữa IPU và Liên Hợp Quốc vào năm kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc (24.10.1945 - 24.10.2015).
Dân chủ và bình đẳng giới là một trong những ưu tiên của IPU. Hội nghị Nữ nghị sỹ IPU và Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU là những diễn đàn quan trọng để các nghị sỹ đóng góp vào chương trình nghị sự chung của Đại hội đồng từ góc độ nữ giới và thanh niên. Đại hội đồng IPU - 132 diễn ra đúng lúc kỷ niệm 30 năm (1985 - 2015) thành lập Hội nghị Nữ Nghị sỹ và thảo luận các nội dung tổng kết 20 năm (1995 - 2015) thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về chương trình hành động thực hiện quyền Phụ nữ, và dự kiến Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 sẽ bàn chủ đề Bắc Kinh cộng 20, Hội nghị bên lề về Tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới.
Song song với thời gian diễn ra Đại hội đồng IPU - 132 còn có Hội nghị quan trọng của ASGP. Tại ASGP - 131 (10.2014), Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên chính thức, và đề xuất chủ đề Tìm kiếm mô hình giúp việc nghị viện hoạt động hiệu quả được ủng hộ trở thành chủ đề thảo luận tại ASGP - 132.
Đại hội đồng IPU - 132 dự kiến có khoảng 70 phiên họp tại khoảng 20 diễn đàn; Hội đồng điều hành; 4 Ủy ban Thường trực, Hội nghị Nữ nghị sỹ (kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị, 20 năm Tuyên bố Bắc Kinh...), Diễn đàn nghị sỹ trẻ về các vấn đề thảo luận ở Đại hội đồng - 132; các Ủy ban chuyên môn (về điều phối nữ nghị sỹ, nhân quyền của các nghị sỹ, vấn đề Trung Đông, tôn trọng pháp luật nhân đạo quốc tế...), các nhóm tham vấn về vấn đề Síp, Liên Hợp Quốc, HIV/AIDS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh, Đối tác về giới... các phiên họp chuyên đề, các nhóm địa - chính trị, Hội nghị bên lề về Phiên họp về chủ đề 25 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em: Liệu cuộc sống của các em đã tốt hơn?, Phiên tham vấn về báo cáo nghị viện toàn cầu, Hội nghị bên lề về chiến tranh hạt nhân, hàng loạt cuộc họp ASGP...
Kết thúc Đại hội đồng IPU - 132, IPU dự kiến sẽ thông qua một văn kiện cuối cùng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện, trong đó có QH Việt Nam, đối với các SDGs đang được Liên Hợp Quốc bàn thảo và sẽ chính thức trình tại Hội nghị các Chủ tịch QH/ Nghị viện ở New York (31.8-2.9.2015) trước khi gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (cuối tháng 9.2015). Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, QH ta đã đề xuất văn kiện cuối cùng này mang tên Tuyên bố Hà Nội để Đại hội đồng IPU - 132 xem xét quyết định. Điều này cho thấy Đại hội đồng IPU - 132 có ý nghĩa rất quan trọng, khác nhiều với các kỳ Đại hội đồng trước đó.
Đăng cai Đại hội đồng IPU - 132, vinh dự cao và trách nhiệm lớn IPU trao cho Việt Nam
Sau khi Hiệp định hòa bình ở Đông Dương được ký kết (1954), Hồ Chủ tịch và QH ta đã đề nghị đưa vấn đề Việt Nam gia nhập IPU ra để QH bàn và thống nhất. Tuy nhiên, do tình hình quốc tế phức tạp và đất nước còn bị chia cắt, nên QH Việt Nam chưa gia nhập được IPU cho đến tháng 4.1979.
Trong hơn 35 năm là thành viên của IPU, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Chủ tịch QH nước ta đã dự Hội nghị Chủ tịch QH/Nghị viện lần thứ nhất (thúc đẩy MDGs, năm 2000), lần thứ hai (năm 2005) tại Liên Hợp Quốc ở New York (Hoa Kỳ). Đại diện của QH ta hai lần làm Chủ tịch nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương và nhóm ASEAN + 3 trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU (năm 2006 và 2010), Ủy viên Ban Chấp hành IPU (nhiệm kỳ 2007 - 2011) và Phó chủ tịch IPU đại diện cho Nhóm châu Á - Thái Bình Dương (nhiệm kỳ 2010 - 2011).
Đánh giá cao vị thế và kinh nghiệm của Việt Nam tổ chức các Hội nghị cấp cao của Tổ chức các nước nói tiếng Pháp Francophonie (1997), ASEAN (1998), ASEM (2004) và APEC (2006), nhiều năm qua IPU đã mong muốn tổ chức một kỳ họp Đại hội đồng IPU tại Việt Nam. Tại Đại hội đồng IPU - 128 (ở Ecuador, tháng 3.2013), IPU đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc QH ta đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU - 132. Ngày 16.3.2014 tại trụ sở IPU (Geneva, Thụy Sỹ), nhân tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 130, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch IPU Abdelwahad Radi đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa IPU và QH Việt Nam về tổ chức Đại hội đồng IPU - 132 và các Hội nghị liên quan, tạo cơ sở pháp lý để ta chính thức đăng cai một kỳ Đại hội đồng của IPU tại Hà Nội. Đây là vinh dự cao đồng thời là trách nhiệm lớn mà IPU trao cho QH ta.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một phiên họp Đại hội đồng IPU nhằm: thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; đẩy mạnh công tác đối ngoại, đa phương và song phương của QH; thể hiện vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm với IPU; đóng góp vào quá trình hình thành và thực hiện các SDGs 15 năm tới (2016 - 2030); thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của ta, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế thuộc mối quan tâm chung; góp phần nâng cao vị thế quốc tế và hình ảnh của Việt Nam; tham khảo chọn lọc kinh nghiệm ngoại giao đa phương nghị viện thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của QH.
Với nội dung thảo luận những chủ đề thời sự mang tầm toàn cầu, hơn 170 đoàn (trong đó 50 đoàn cấp Chủ tịch và 51 đoàn cấp Phó chủ tịch QH), hơn 700 ĐBQH/nghị sỹ, gần 1.600 khách quốc tế, hơn 100 cán bộ của IPU, tham dự và phục vụ hàng trăm phiên họp chính thức và bên lề, hàng chục đoàn xin chào Lãnh đạo cấp cao hay tiếp xúc bên lề với nước chủ nhà..., Đại hội đồng IPU - 132 không chỉ là hội nghị quốc tế lớn nhất ở Việt Nam kể từ năm 1945 mà còn là cơ hội lớn để Việt Nam đóng góp cho giai đoạn phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.
Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là của Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước và Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU - 132, một khối lượng công việc lớn về tổ chức, nội dung, sự tham gia của Đoàn Việt Nam, tuyên truyền, lễ tân, sự kiện, hậu cần, an ninh, y tế..., được triển khai đồng bộ, khẩn trương và phù hợp với Thỏa thuận tổ chức IPU - 132 và thông lệ của IPU. Để chuẩn bị, QH đã tổ chức 5 cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế và tọa đàm về 7 chủ đề thảo luận chính và các lớp tập huấn... Khi thăm Việt Nam để rà soát công tác chuẩn bị cuối tháng 11.2014, Tổng thư ký IPU Martin Chungong đánh giá cao QH nước chủ nhà đã tích cực chuẩn bị cả về tổ chức và nội dung.
Các cơ quan chức năng đang khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội đồng IPU - 132 theo phương châm hiệu quả, thực chất, trọng thị, chu đáo, an toàn, tiết kiệm, đóng góp thiết thực và có trách nhiệm cho IPU và giai đoạn phát triển mới của cộng đồng quốc tế trong năm 2015 có nhiều lễ kỷ niệm và sự kiện quan trọng ở Việt Nam và trên thế giới, để lại ấn tượng tốt đẹp cho khách và bạn bè quốc tế về đất nước, lịch sử và con người Việt Nam.
Về cơ chế hoạt động, IPU có: - Đại hội đồng: mỗi năm họp 2 lần; - Hội đồng điều hành; - Chủ tịch IPU và Ban Chấp hành; - 4 Ủy ban Thường trực về: Hòa bình và an ninh quốc tế; Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại; Dân chủ và Nhân quyền; Các vấn đề của LHQ; - Hội nghị Nữ nghị sỹ; - Diễn đàn nghị sỹ trẻ; - Các Ủy ban chuyên môn về: Điều phối nữ nghị sỹ, Nhân quyền của các nghị sỹ, Vấn đề Trung Đông, Tôn trọng pháp luật nhân đạo quốc tế; - Các nhóm tham vấn về: Síp, Cố vấn về Liên Hợp Quốc, HIV/AIDS, Sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh; - Các phiên họp chuyên đề; - Các nhóm địa - chính trị: châu Phi, Khối Ảrập, châu Á - Thái Bình dương, Á - Âu, Mỹ La tin. - Tổng thư ký và Ban Thư ký; - Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện (ASGP) là cơ chế tham vấn cho IPU, thường tổ chức các hội nghị song song với Đại hội đồng IPU. |