Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 15:Vị thế mới trong trật tự mới

Ngọc Quang 14/07/2009 00:00

Không phải ngẫu nhiên mà nước chủ nhà Ai Cập lại kêu gọi thiết lập một trật tự thế giới mới nhân Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 15 đang diễn ra tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ. Trong các ngày từ 11-16.7, các thành viên thuộc NAM sẽ thảo luận về vị thế của phong trào trong bối cảnh “thế giới thứ ba” đang đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu giải quyết các vấn đề nóng bỏng toàn cầu.

NAM gồm 118 nước thành viên, trong đó có 53 nước châu Phi, 38 nước châu Á và 26 nước thuộc Mỹ Latin và Carribe, và một nước châu âu (Belarus). Phong trào này đại diện cho gần 2/3 số thành viên LHQ, đặc biệt là các nước đang phát triển, và chiếm 55% dân số thế giới. Hội nghị cấp cao NAM được tổ chức 3 năm một lần.

48 năm tồn tại và phát triển (thành lập tháng 9.1961), NAM đã đánh dấu sự khởi đầu mới cho các quốc gia ít có ảnh hưởng, đưa các nước này xích lại gần nhau hơn để bảo vệ quyền và lợi ích của họ, đồng thời giúp họ bày tỏ quan điểm. Tôn chỉ mục đích đó vẫn được duy trì tới ngày nay và được coi là hướng đi đúng đắn. Với chủ đề “Đoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển”, hội nghị thượng đỉnh lần này tập trung vào các biện pháp khôi phục hoạt động của NAM trong tình hình thế giới hiện nay, giải quyết các điểm nóng quốc tế, những vấn đề khó khăn và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Ngoài ra, các vấn đề về nhân quyền, đối thoại giữa các nền văn minh, chủ nghĩa khủng bố, cải cách hệ thống của Liên Hiệp Quốc (LHQ), khủng hoảng tài chính toàn cầu, nạn buôn người... cũng được đưa lên bàn thảo luận.

Quy mô là vậy, nhưng trong lịch sử, đã có lúc NAM gặp những khó khăn tưởng chừng như khó có thể tồn tại. Tổ chức này bắt đầu đối mặt với những thách thức kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt sau khi thế giới bước vào thiên niên kỷ mới, với những thay đổi lớn diễn ra trên thế giới và ngay trong nội bộ các nước thành viên của NAM. Vào thời điểm đó, câu hỏi “Phong trào này sẽ đi về đâu?” luôn được đặt ra tại mỗi kỳ hội nghị thượng đỉnh. Nhưng với những gì đã làm được, giờ đây, cả NAM và phần còn lại của thế giới đều phải công nhận việc tổ chức này tồn tại là điều cần thiết, vì đây là một cơ chế để các nước thu hẹp bất đồng, tiến hành hợp tác đa phương và tạo lợi thế mặc cả với các cường quốc thế giới.

3 năm trước, Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 14 được tổ chức tại Cuba, thông qua 5 văn kiện, cảnh báo các nước thành viên đoàn kết đối phó tốt hơn với các mối đe dọa và thách thức toàn cầu. Lời cảnh báo đã thành hiện thực khi thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. Trong cuộc khủng hoảng này, các nền kinh tế đang phát triển đã trở thành “niềm hy vọng” của các nước phát triển, vì đó là những mắt xích quan trọng mà các cường quốc kinh tế thế giới không thể bỏ qua nếu muốn phục hồi.

Phát huy thế mạnh này, với cương vị Chủ tịch luân phiên của NAM trong 3 năm tới, Ai Cập đặt mục tiêu nỗ lực thay đổi hình ảnh của NAM. Đây hoàn toàn không phải là một mục tiêu quá tham vọng, trước hết vì thực tế cho thấy vị thế của NAM đang thay đổi từng ngày. Không còn câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?” mà giờ đây chỉ có mục tiêu “Làm gì để tiếp tục phát triển”. Hơn nữa, Ai Cập đã đề xuất các biện pháp cụ thể để giúp phong trào này thích ứng tốt hơn với tình hình thế giới hiện nay và tăng cường ảnh hưởng trên thế giới, như thành lập một “cơ quan tư vấn” có trách nhiệm giúp NAM xử lý đúng đắn những vấn đề khác nhau của các nước thành viên. Ngoài việc xử lý rủi ro, các nước thành viên của NAM cũng đang tìm cách phát triển, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động không nhỏ tới chính bản thân họ. Hầu hết các nước thành viên của NAM đang đối mặt với những thách thức như nghèo đói, ô nhiễm môi trường và điều kiện chăm sóc sức khỏe quá kém, vì vậy việc tăng cường hợp tác để giải quyết những khó khăn chung là điều rất quan trọng.

Có thể nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, NAM hoàn toàn có lý khi yêu cầu cộng đồng quốc tế xem xét lại một cách toàn diện hệ thống kinh tế quốc tế để quá trình đưa ra các quyết sách kinh tế mang tính dân chủ hơn, không chấp nhận việc một số ít quốc gia chi phối toàn thế giới, tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đó là mục tiêu của NAM, và cũng là mục tiêu của một thế giới phát triển.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 15:Vị thế mới trong trật tự mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO