Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia

- Thứ Ba, 10/09/2019, 16:17 - Chia sẻ
Chiều 10.9, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia với sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện cho các nước và tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Ma túy là hiểm họa và là vấn nạn chung của toàn cầu, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đây là loại tội phạm sản sinh ra các loại tội phạm khác như tài trợ khủng bố, tham nhũng và rửa tiền. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu rộng, hoạt động của các đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc đang ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp và khó lường. Trong khi đó, chính sách phòng, chống ma túy khác biệt trên toàn cầu đã gây ra những khó khăn nhất định trong giải quyết có hiệu quả vấn đề này. Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng cam go và quyết liệt, yêu cầu các quốc gia phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng và xây dựng, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các nước có liên quan trong khu vực và trên thế giới trong giải quyết vấn nạn ma túy là đòi hỏi tất yếu, khách quan và cần được nâng lên tầm cao mới, nhằm đạt được hiệu quả, thiết thực hơn.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị

Trong khuôn khổ hợp tác về phòng, chống ma túy những năm qua, chúng ta ghi nhận những kết quả đạt được trong phòng, chống ma túy của các nước thông qua việc chủ động xây dựng chính sách, chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy; củng cố và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hành pháp, trấn áp quyết liệt tội phạm ma túy trong nước và trên các tuyến biên giới; tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai tích cực các nội dung trong cơ chế hợp tác song phương, đa phương với các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Với sự quyết tâm lớn của Chính phủ các nước, tội phạm ma túy thời gian qua phần nào đã được ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi. Tuy nhiên, khi xem xét tình hình thực tế trong khu vực, chúng ta chưa thể yên tâm và lạc quan. Đã 110 năm trôi qua kể từ khi Ủy ban phòng, chống ma túy quốc tế triệu tập cuộc họp tại Thượng Hải gồm 12 nước để bàn về chính sách quốc tế trong kiểm soát tình hình trồng cây thuốc phiện trên thế giới, tình hình ma túy thế giới ngày càng trở nên đáng quan ngại. Theo thống kê, diện tích gieo trồng thuốc phiện trên toàn cầu hiện nay đã tăng khoảng 60% so với một thập kỷ trước; số người sử dụng ma túy ngày càng tăng, hiện nay đã cao hơn 30% so với năm 2009; số lượng thuốc phiện, ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới ngày càng lớn hơn…

Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại khu vực 6 nước tiểu vùng sông Mê Công, diện tích gieo trồng cây thuốc phiện vẫn đứng thứ hai trên thế giới. Khu vực Tam Giác Vàng ở tiểu vùng sông Mê Công đã trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Số lượng người sử dụng ma túy trong các nước khu vực không giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng. Nhiều tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia đóng vai trò làm cầu nối giữa cung và cầu với nhiều phương thức thủ đoạn đối phó, thậm chí chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng. Những diễn biến phức tạp này đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự cho các nước trong khu vực, thách thức lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.


Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị

Trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán về chính sách, tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu kết hợp với giảm tác hại do ma túy gây ra. Việt Nam đã rà soát, đánh giá việc thi hành và sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới; đề ra các chính sách vĩ mô như Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư có trọng điểm các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy của Chính phủ; đã tổ chức cai nghiện bằng các hình thức cho hơn 50 nghìn lượt người mỗi năm kết hợp với điều trị thay thế bằng Methadone; phá nhổ cơ bản diện tích gieo trồng và chống tái trồng cây thuốc phiện. Hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng được nâng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng của Việt Nam đã điều tra, triệt phá gần 12 nghìn vụ án liên quan đến hoạt động mua bán, sản xuất và vận chuyển ma túy, thu giữ hàng tấn ma túy tổng hợp, bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm ma túy có tổ chức xuyên quốc gia, bắt giữ nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài.

Việt Nam luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước ký kết Hiệp định hợp tác, các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, khu vực và các nước đối tác tài trợ như Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan phòng, chống ma túy của Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Myanma... Qua đó góp phần tăng cường sự gắn kết, thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy ở trong nước.

Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia do Việt Nam khởi xướng kỳ vọng sẽ là một diễn đàn thiết thực để lực lượng chức năng phòng, chống ma túy các nước chia sẻ, trao đổi thông tin cập nhật về diễn biến tình hình, kết quả đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, cũng như bàn các giải pháp cụ thể và có hiệu quả để kịp thời ứng phó với tội phạm ma túy.

Tin và ảnh: Bảo Hân