Hội đồng Nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp

Bài cuối: Lựa chọn những ứng cử viên am hiểu pháp luật

- Thứ Năm, 29/10/2020, 07:09 - Chia sẻ
​​​​​​​Nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử đối với cơ quan tư pháp, ngoài đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu lực giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, giải pháp quan trọng nhất trong mọi giải pháp vẫn là con người. Vì vậy, chuẩn bị nhiệm kỳ 2021 - 2026, cần xem xét lựa chọn những ứng cử viên có trình độ, am hiểu pháp luật làm đại biểu dân cử. Trong đó, cần quy hoạch, xây dựng cơ cấu cụ thể những người được đào tạo về ngành luật vào vị trí thành viên Ban Pháp chế của HĐND các cấp.

Thống nhất về khái niệm cơ quan tư pháp

Để các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân như tinh thần Nghị quyết số 49, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Thực hiện công khai, minh bạch các bản án, duy trì chế độ báo cáo với cơ quan dân cử theo quy định.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Tòa án Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh

Ảnh: Bình Nguyên

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của cơ quan dân cử cũng như trách nhiệm của cử tri và nhân dân trong giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp. Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật; không ngừng nâng cao trình độ dân trí, ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho mọi người dân. MTTQ và các tổ chức thành viên tập trung làm tốt công tác động viên nhân dân phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động tư pháp, qua đó kiến nghị với các cơ quan tư pháp khắc phục, sửa chữa.

Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu để thống nhất về khái niệm cơ quan tư pháp là những cơ quan nào. Cơ quan tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp có phải là một không. Nếu không, cần xác định rõ đâu là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Còn các cơ quan tư pháp gồm những cơ quan nào để cơ quan, ban, ngành liên quan cũng như cơ quan dân cử dễ tiếp cận khi làm việc và giám sát hoạt động.

Bảo đảm chế độ, cách thức thuê chuyên gia trong giám sát

Bên cạnh đó, cần đổi mới cách thức giám sát. Trong xây dựng chương trình giám sát hàng năm, ít nhất HĐND cần lựa chọn 1 chuyên đề về giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp ngoài giám sát của Ban Pháp chế HĐND. Trong xem xét báo cáo của các cơ quan: viện kiểm sát, tòa án, thi hành án và khối cơ quan quốc phòng - an ninh, cần nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND. Báo cáo thẩm tra cần chỉ ra được những mặt đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp cần kiến nghị để HĐND quyết định. Cần có sự so sánh, đối chiếu về số liệu, đánh giá của các cơ quan; giữa số liệu trong báo cáo với thực tiễn, nếu có kết luận giám sát chuyên đề, kết quả thanh kiểm tra chuyên ngành thì cần tham khảo để đối chiếu, thống nhất ý kiến thẩm tra cho chặt chẽ.

Ví dụ như phía cơ quan điều tra xác định tình hình tội phạm gia tăng, Ban cần đối chiếu với báo cáo của cơ quan này cùng kỳ năm ngoái, số liệu của tòa án và viện kiểm sát. Điều quan trọng là giữa 3 cơ quan này mốc thời gian lấy số liệu thường khác nhau nên cần xác định rõ mốc thời gian lấy số liệu. Thông thường, một số địa phương chọn mốc 30.11 hàng năm để thẩm tra. Nếu số liệu mâu thuẫn thì yêu cầu làm rõ thêm… Từ đó, kiến nghị giải pháp tương ứng. Tương tự, các nội dung khác cũng cần có sự so sánh và nêu vấn đề như vậy. Nếu báo cáo thẩm tra sát, có chiều sâu đại biểu rất dễ tiếp cận báo cáo của các cơ quan tư pháp. Từ đó, dễ dàng thảo luận và chất vấn sâu trên lĩnh vực này.

Trong giám sát chuyên đề cũng nên đổi mới cách thức tiếp cận. Lĩnh vực chuyên sâu khó nên trước khi xây dựng đề cương, kế hoạch cần nghiên cứu kỹ quy định và các văn bản liên quan của các cấp về chuyên đề đó. Ví dụ như giám sát hoạt động xét xử của tòa án trên địa bàn. Việc đầu tiên là tìm hiểu kỹ các quy định hiện hành về hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân; vai trò, vị trí, thẩm quyền và trách nhiệm của tòa án trong hoạt động xét xử; quy trình, thủ tục… Từ đó, xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung và mốc giám sát. Quá trình xây dựng, nên tham vấn ý kiến những người từng công tác trong ngành tòa án, luật sư… để kế hoạch, đề cương hoàn thiện và sát hơn. Thành viên đoàn nên mời thêm chuyên gia hoặc những người đã từng công tác trên lĩnh vực tư pháp để được hỗ trợ thêm về chuyên ngành. Có một số vấn đề cần làm rõ trong giám sát hoạt động xét xử, như: Số lượng vụ án bị hủy, số vụ án sửa. Từ đó, chỉ ra cho được nguyên nhân khách quan và chủ quan là gì và kiến nghị.

Một trong các vấn đề thường vướng mắc trong hoạt động xét xử chính là sự phối hợp, nhất là trong giải quyết các vụ liên quan đến đất đai. Bên cạnh giám sát qua hồ sơ cũng cần tiếp xúc, gặp gỡ cử tri, làm việc với các ngành liên quan để làm rõ hơn nhằm kết luận trúng hơn, toàn diện hơn.

Cuối cùng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là con người. Chuẩn bị nhiệm kỳ 2021 - 2026, cần lựa chọn những ứng viên có trình độ, am hiểu pháp luật làm đại biểu dân cử. Trong đó, quy hoạch, xây dựng cơ cấu cụ thể những người được đào tạo về ngành luật ưu tiên vào vị trí liên quan đến pháp luật như thành viên Ban Pháp chế của HĐND các cấp. Đồng thời, cụ thể hóa hơn quy định về việc bảo đảm chế độ cũng như cách thức thuê chuyên gia trong hoạt động giám sát. Có như vậy, việc giám sát của cơ quan dân cử đổi với cơ quan tư pháp mới đi vào thực chất, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 mà Bộ chính trị đã đề ra.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh