Tham dự cuộc làm việc về phía các Bộ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng, chủ yếu của Đoàn giám sát là đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan những giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế, trước mắt là công tác cán bộ nhiệm kỳ tiếp theo của cả hệ thống chính trị.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát về những nhận định, đánh giá chung về báo cáo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc và những kiến nghị của địa phương.
Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với Báo cáo của của Đoàn giám sát và cho rằng, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo các địa phương tham mưu để có chính sách cụ thể. Số lượng, tỷ lệ, chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên ở cả trung ương và địa phương.
Qua giám sát cho thấy, cơ bản công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được các tỉnh áp dụng theo các văn bản, quy định chung của cấp trên. Tuy nhiên, đa số các địa phương không quy định, ban hành chính sách riêng đối với cán bộ người dân tộc thiểu số vì thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Thực tế này dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, nhất là nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người còn hạn chế, thiếu nguồn tuyển dụng, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Có ý kiến cũng lưu ý: cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức chưa hợp lý giữa các dân tộc trên địa bàn; đa số các địa phương là tỉnh miền núi chưa tự chủ được ngân sách, còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí ưu tiên hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; chế độ chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho người học là cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số còn hạn chế; vẫn còn tình trạng chưa gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ; thiếu hệ thống dữ liệu về đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số các cấp; còn tình trạng nhiều em sinh viên tốt nghiệp theo chế độ cử tuyển chưa tìm được việc làm...