Hỏi - Đáp

- Thứ Năm, 21/10/2021, 16:18 - Chia sẻ
Việc người dân xây dựng công trình trong khuôn viên đất ở rồi biến thành cơ sở tín ngưỡng và tổ chức hoạt động tín ngưỡng cho cộng đồng có đúng theo quy định pháp luật không? Hướng giải quyết nếu có vi phạm các quy định pháp luật?

Nguyễn Khắc Huy

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra,

Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ

Về việc này, xin trao đổi như sau:

Khoản 4, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) về giải thích từ ngữ quy định: “Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác”.

Chương III của Luật về hoạt động tín ngưỡng gồm 6 điều, từ Điều 10 - Điều 15 quy định về nguyên tắc hoạt động, quản lý cơ sở, đăng ký hoạt động, tổ chức lễ hội, quản lý khoản thu từ việc tổ chức lễ hội.

Khoản 1, Điều 58 của Luật về cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo quy định: “Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về giải thích từ ngữ quy định: “Công trình tín ngưỡng là công trình xây dựng để làm cơ sở tín ngưỡng”.

Điều 160, Luật Đất đai 2013 về Đất tín ngưỡng quy định: “(1). Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ. (2). Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. (3). Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Khoản 30, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014 quy định: Sửa đổi, bổ sung Điều 89 như sau: “Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng: (1). Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều này”. Các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 2, Điều 89 sửa đổi này không có công trình tín ngưỡng.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, việc người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ rồi biến thành cơ sở tín ngưỡng cho cộng đồng là vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật có liên quan.

Trường hợp này, chủ công trình chỉ được phép tổ chức sinh hoạt tôn giáo trong phạm vi gia đình, không được treo biển hiệu tên cơ sở tín ngưỡng do gia đình tự đặt bên ngoài nhà riêng; chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm hướng dẫn người dân và kiểm tra giám sát việc chấp hành theo quy định pháp luật.