Hồi chuông cảnh báo

Nhật An 15/08/2017 08:43

Vụ bạo động ở Charlottesville, bang Virginia, Mỹ cuối tuần qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tư tưởng cực đoan của những người da trắng kỳ thị sắc tộc. Điều khiến dư luận thất vọng là phản ứng chậm trễ và thiếu rõ ràng của Nhà Trắng.

Phản ứng né tránh

Trong phản ứng đầu tiên được đưa ra vài giờ sau vụ đụng độ giữa những người theo chủ nghĩa cực hữu da trắng và người phản đối phong trào này ở Charlottesville ngày 12.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với “biểu hiện thái quá của lòng thù hận, mù quáng và bạo lực từ nhiều phía”. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump lại không chỉ đích danh những người theo chủ nghĩa quốc xã mới (neo-Nazi), cực hữu da trắng và các thành viên phòng trào Ku Klux Klan (KKK) đề cao thuyết Người da trắng thượng đẳng, tham gia cuộc tuần hành “Đoàn kết phe cánh hữu” trong vụ bạo động.

 Ngay lập tức, Tổng thống Trump đã phải hứng chịu búa rìu dư luận. Nhiều nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã chỉ trích tuyên bố của ông Trump thiếu rõ ràng và né tránh chủ đích. Chủ tịch Ủy ban Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa quốc gia của Thượng viện Cory Gardner cho rằng, Tổng thống cần nêu đích danh cái ác và đó chính là những kẻ theo phong trào Người da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa khủng bố. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc bang Floria Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố, những kẻ mang tư tưởng Người da trắng thượng đẳng, quốc xã mới và bài Do Thái là những kẻ chống lại các giá trị của Mỹ. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ chỉ trích Tổng thống Trump thất bại trên cương vị lãnh đạo khi không lên án trực diện phong trào KKK cùng những người kẻ theo chủ nghĩa quốc xã mới, coi người da trắng là tối thượng.

Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, Nhà Trắng đã phải đính chính rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án tất cả các hình thức bạo lực, mù quáng và thù hận từ nhiều phía, trong đó có cả người ủng hộ phong trào Người da trắng thượng đẳng, chủ nghĩa quốc xã mới và tất cả các nhóm cực đoan. Tuy nhiên, sự đính chính này chưa đủ để xoa dịu dư luận. Thị trưởng thành phố Charlottesville Michael Signer thậm chí còn cáo buộc, ông Trump đã góp phần thổi bùng cuộc chiến kỳ thị chủng tộc ở Mỹ khi chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Signer “đổ lỗi cho Nhà Trắng và những người thân cận của Tổng thống vì những gì mà nước Mỹ đang phải chứng kiến hôm nay”.

Hồi chuông cảnh báo ảnh 1

Âm ỉ nỗi đau phân biệt sắc tộc

Vụ bạo động ở Charlottesville xảy ra khi hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành mang tên “Đoàn kết phe cánh hữu” tại công viên Emancipation ngày 12,8, đụng độ với những người phản đối phong trào này. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình và bắt giữ một số người sau khi tuyên bố vụ tụ tập này là bất hợp pháp. Xô xát trở nên nghiêm trọng hơn sau khi một chiếc ô tô màu xám phóng với tốc độ cao lao thẳng vào đám đông người tuần hành phản đối phong trào Người da trắng thượng đẳng, làm một người thiệt mạng và 17 người bị thương. Giới chức bang Virginia cũng cho biết, 2 người đã thiệt mạng sau khi một máy bay trực thăng của cảnh sát bị rơi gần thành phố này.

Ban đầu, cuộc tuần hành “Đoàn kết phe cánh hữu” do nhà hoạt động tự xưng chủ trương đề cao người da trắng Jason Kessler tổ chức, phản đối kế hoạch của chính quyền nhằm dỡ bỏ bức tượng tướng Robert E. Lee ở công viên thành phố. Tướng Robert E. Lee là người lãnh đạo Liên minh miền Nam, nhóm thất bại trong cuộc nội chiến Mỹ giai đoạn 1861 - 1865. Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Charlottesville coi bức tượng này như biểu tượng của phong trào cánh hữu, bảo vệ xã hội được xây dựng trên nền tảng da trắng thượng đẳng. Vì vậy, cuộc tuần hành đã nhanh chóng thu hút thành viên KKK, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, quốc xã mới và nhiều nhóm cực hữu khác.

Giới phân tích cho rằng, vụ bạo loạn ở thành phố Charlottesville một lần nữa cho thấy nỗi đau âm ỉ về nạn phân biệt sắc tộc trong xã hội Mỹ và dường như ngày càng được tiếp thêm sức mạnh bởi những kẻ mang tư tưởng cực đoan, cổ xúy phát xít kiểu mới. Trong phát biểu sau vụ bạo động, Thống đốc bang Virginia Terry Mcauliffe nhấn mạnh: “Mỹ là quốc gia nhập cư. Sự đa dạng sắc tộc khiến chúng ta đặc biệt và chúng tôi sẽ không để cho bất cứ ai phá hủy nó”.

Sau vụ bạo động ở Charlottesvilles, ngày 13.8, hàng trăm người đã tập trung ở quảng trường Union, thành phố New York, nhằm phản đối chủ nghĩa phân biệt sắc tộc ở Mỹ, sự thù hận mù quáng và kêu gọi đoàn kết xã hội, không phân biệt màu da.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hồi chuông cảnh báo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO