Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn sẽ diễn ra từ 20 - 22.11.

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 23:44 - Chia sẻ

Đây là thông tin được UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xác nhận tại buổi họp báo về Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện diễn ra sáng 31.10. Dự buổi họp báo có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Oanh; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Văn Hoàn; Chủ tịch UBND huyện La Văn Nam.

Toàn cảnh họp báo
Ảnh: Thanh Bình

Tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND huyện La Văn Nam cho biết: Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, những năm gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện liên tục được mở rộng. Hiện, toàn huyện có 28.000ha cây ăn quả. Riêng cây có múi, với gần 7.000ha, vụ thu hoạch năm 2020, sản lượng ước đạt 60.000 - 70.000 tấn, tăng 7.000 - 10.000 tấn so với năm 2019. Bên cạnh phát triển các loại cây ăn quả, Lục Ngạn còn có một số sản phẩm truyền thống đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như: Mỳ gạo Chũ; giấm Kim Ngân sản xuất từ vải thiều; gạo nếp Phì Điền…

Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 20 - 22.11) với hai khu vực và gần 100 gian hàng tham gia. Trong đó, khu vực 1 gồm: Các gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng. Khu vực 2 gồm: Các gian hàng thương mại gắn với chương trình “hàng Việt Nam chất lượng cao” và hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Điểm mới của Hội chợ năm nay là tổ chức chương trình trải nghiệm du lịch đón các đoàn khách tham quan tại 25 vườn quả đẹp, đạt chất lượng được UBND huyện lựa chọn. Bên cạnh đó, du khách có thể ăn nghỉ tại vườn tạo một buổi trải nghiệm đáng nhớ. Trong khuôn khổ hội chợ, UBND huyện Lục Ngạn cũng sẽ khai trương sàn giao dịch thương mại điện tử các loại trái cây của huyện; đấu giá vườn và cây ăn quả chất lượng, mẫu mã đẹp.

Chủ tịch UBND huyện La Văn Nam nhấn mạnh: Mục đích chính của Hội chợ lần này nhằm quảng bá, giới thiệu, cung ứng các loại trái cây chất lượng cao, những sản phẩm đặc trưng được chế biến từ nông, lâm sản trong huyện. Đồng thời, kết nối giữa nhà nông với doanh nghiệp; thu hút du khách, tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch của huyện. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối với chủ vườn và người tiêu dùng. Từ đó, góp phần đổi mới tư duy nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm; mở thêm các kênh tiếp cận hàng hóa chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho người tiêu dùng.

Tin và ảnh: Thanh Bình