Năm 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) dự kiến tuyển gần 7.300 chỉ tiêu, trong đó có 18 nhóm ngành trong chương trình đào tạo tiêu chuẩn. Dẫn đầu về số lượng chỉ tiêu trong các nhóm ngành này là: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Thương mại và Du lịch với 2089 sinh viên. Tiếp theo là Thú y (650), Logistic và quản lý chuỗi cung ứng (600), Kinh tế và Quản lý (600). Các nhóm ngành khác tuyển sinh dao động từ 30 - 600 sinh viên.
Đồng thời, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng tuyển sinh 100 chỉ tiêu chương trình quốc tế (dạy và học bằng tiếng Anh) với 4 chuyên ngành: Nông nghiệp; Quản trị kinh doanh, Thương mại và du lịch; Công nghệ sinh học và công nghệ dược liệu; Kinh tế và quản lý.
Trong kế hoạch tuyển sinh năm 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ; Xét tuyển kết hợp.
Ở phương thức Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, ngoài tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT như năm ngoái, trường xét tuyển thẳng nhóm học sinh giỏi ít nhất 1 kỳ và có một trong các thành tích vượt trội trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh THPT cấp tỉnh, thành phố; thuộc đội tuyển cấp tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương) hoặc đội tuyển của trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT hoặc cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh THPT.
Học sinh giỏi ít nhất 1 kỳ và có một trong các thành tích, kết quả vượt trội trong vòng 2 năm tính đến ngày 1.6.2025 như: chứng chỉ IELTS (từ 6.0 trở lên), kỳ thi SAT (từ 1200 điểm trở lên, kỳ thi ACT đạt từ 25 điểm trở lên); Học sinh giỏi ít nhất 2 kỳ và đạt 90 điểm trở lên trong kỳ thi Kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA 2025.
Phương thức thứ hai là Sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Điểm xét tuyển là tổng ba môn theo tổ hợp, trong đó môn 1 (được viết đầu tiên) nhân hệ số hai. Trường lưu ý tổng của ba môn được quy đổi từ thang 40 về 30, sau đó mới cộng điểm ưu tiên. Thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên có thể quy đổi để thay thế điểm môn tiếng Anh.
Phương thức thứ ba là Xét học bạ. Điểm xét tuyển là tổng trung bình cả năm lớp 12 của ba môn theo tổ hợp, cũng được nhân hệ số và quy đổi như phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trường chỉ xét với những thí sinh đạt 21-24 điểm trở lên, sau khi đã quy về thang 30.
Phương thức thứ tư là Xét tuyển kết hợp. Thí sinh có thể dùng học bạ cả năm lớp 12 với một trong các chứng chỉ: IELTS từ 5.0, SAT 800, ACT 12, Kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA 2025 từ 70 điểm trở lên.
Điểm xét tuyển là tổng ba môn theo học bạ, trong đó môn 1 nhân hệ số hai, cùng điểm chứng chỉ hoặc kết quả thi riêng được quy đổi về thang 10. Điều kiện về điểm học bạ là đạt 21-24 điểm trở lên, theo thang 30.
Với phương thức 3 (Xét học bạ) và phương thức 4 (Xét tuyển kết hợp), trường nhận hồ sơ làm hai đợt. Đợt đầu từ tháng 5 đến 20.6.2025; đợt sau từ 25.6 đến 30.7.2025.
Năm 2024, điểm chuẩn vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam dao động từ 16,5 - 25,25 điểm. Trong đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn cao nhất với 25,25 điểm. Xếp sau đó là ngành Luật với 24,75 điểm.