Đây là thông tin tại hội nghị “Hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tổ chức”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 7.12.
Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá giá cao chuỗi hoạt động thúc đẩy kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp và khối các trường đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai trong suốt thời gian qua.
“Thông qua những hội nghị, hội thảo, các diễn đàn quan trọng với sự có mặt của lãnh đạo Bộ đã tạo nên một sức lan tỏa rất lớn, truyền đi thông điệp quan trọng là cần phải có sự kết nối hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và chất lượng dịch vụ phục vụ xã hội”, GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu.
Chia sẻ về kinh nghiệm và khả năng hợp tác với doanh nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan thông tin, Học viện có bề dày truyền thống gần 70 năm hình thành và phát triển, có đội ngũ cựu sinh viên đông đảo, công tác tại nhiều công ty, doanh nghiệp và các địa phương. Đội ngũ của Học viện cũng được đào tạo bài bản từ nhiều quốc gia, là cầu nối quan trọng để mở rộng quan hệ hợp tác. Đồng thời, Học viện có trên 25.000 sinh viên theo học. Đây là những lợi thế để nhà trường mở rộng hợp tác cả trong nước và quốc tế.
Thời gian qua, từ cấp lãnh đạo đến giảng viên, người lao động của trường đều xác định lấy phương châm liên kết, hợp tác là sức mạnh, chất lượng là sự sống còn, nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học; nghiên cứu và đào tạo phải gắn với thị trường và thực tiễn. Từ đó, Học viện đã luôn tìm đến các công ty, doanh nghiệp, địa phương để mở rộng quan hệ hợp tác; nỗ lực quảng bá hình ảnh, năng lực, khả năng của Học viện; đồng thời tiếp nhận nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp để nghiên cứu, đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của xã hội.
Trong giai đoạn 2016 – 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết gần 1.000 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế. Các thỏa thuận hợp tác chủ yếu của Học viện là về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ xã hội.
Trong quá trình hợp tác, Học viện cũng luôn xác định cùng đồng hành, chia sẻ với đối tác; luôn xác định trách nhiệm của mình là phục vụ cộng đồng phục vụ xã hội, không phải lúc nào hợp tác cũng đòi hỏi phải có lợi ích kinh tế trực tiếp ngay mà có thể mang lại nhiều cơ hội, nguồn lực gián tiếp khác cho cán bộ và sinh viên Học viện. Với phương châm đó đã giúp Học viện mở rộng được quan hệ hợp tác và hợp tác bền vững hơn, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Nhờ có sự hợp tác với doanh nghiệp, số lượng tuyển sinh cũng như điểm đầu vào của Học viện đều tăng lên theo các năm. Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay sau khi ra trường khá cao. Khảo sát trong đợt xét tốt nghiệp cách đây khoảng một tháng, có tới 70% sinh viên sau khi ra trường có việc làm. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký nhu cầu tuyển dụng với học viên của nhà trường, song hiện vẫn thiếu…
Rõ ràng, cơ hội từ sự hợp tác mang lại là rất lớn, không chỉ cho các cơ sở đào tạo mà còn cho chính doanh nhiệp. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang, trước đây, khi sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại doanh nghiệp thường phải mất 6 tháng đến một năm mới “biết việc”. Như vậy, doanh nghiệp cần thời gian, chi phí để đào tạo lại.
Tuy nhiên, từ khi tập đoàn hợp tác với các trường đại học, trong đó có trường Đại học Nha Trang để đào tạo 100 sinh viên mỗi năm, khi sinh viên ra trường và về tập đoàn làm việc đã nhanh chóng bắt nhịp công việc. Tới đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác với trường Đại học Cần Thơ trong đào tạo và nghiên cứu, để đáp ứng theo yêu cầu, đòi hỏi thực tế của doanh nghiệp, ông Quang chia sẻ.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed Trần Mạnh Báo đề xuất, để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, các nhà trường cần căn cứ vào khả năng nghiên cứu trong từng lĩnh vực và lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức có khả năng triển khai kết quả nghiên cứu đó; hoặc lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức có khả năng kết hợp nghiên cứu, đặt hàng để cùng nghiên cứu, sau đó chuyển giao. Như vậy, kết quả nghiên cứu, đào tạo của nhà trường sẽ gắn với thực tiễn.
Ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự hợp tác này cần phải đặt lợi ích vì quốc gia, vì dân tộc, chứ không đơn thuần chỉ là lợi ích của hai bên.
Theo Bộ trưởng, việc vun trồng cho thế hệ tương lai là trách nhiệm, bổn phận của quốc gia, dân tộc, và doanh nghiệp cũng cần có bổn phận đó. Bộ trưởng mong muốn, các doanh nghiệp hợp tác với các trường cần mang tính bền vững. Đó không chỉ là trao những học bổng, mà còn phải truyền được tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, giúp đào tạo ra những thế hệ trẻ có tố chất, có tinh thần khởi nghiệp sáng tạo để trở thành những doanh nhân cho đất nước.
Sự hợp tác không phải bằng không gian vật lý, mà phải bằng tư duy, bằng niềm tin, và cộng hưởng niềm tin vì quốc gia, dân tộc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nhờ hợp tác với doanh nghiệp, trên 97% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp
Kết nối doanh nghiệp là hoạt động được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt ưu tiên thúc đẩy. Học viện đã hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp, như Công ty CP Tập đoàn Pan Group, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed, Công ty CP CodeLovers Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Sunjin Việt Nam… trong đào tạo, thực hành, thực tập cũng như tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.
Hàng năm, Học viên tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của từ 60 – 100 doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu thực tập tốt nghiệp, việc làm cho 4.000 – 5.000 sinh viên.
Theo kết quả khảo sát, trên 97% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp.
Em Đặng Thị Lệ, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ, sở dĩ em chọn ngành Khoa học đất vì đây là ngành rất quan trọng trong khối ngành nông nghiệp, đặc biệt ngành này có Công ty CP Đầu tư và tư vấn Phương Bắc đặt hàng đào tạo với Học viện. Nhờ đó, em đã tự tin hơn, sẵn sàng lăn xả với việc học tập, cống hiến với ngành. “Nếu không có doanh nghiệp đồng hành, em sẽ cảm thấy chênh vênh, không đủ dũng cảm với ngành bởi đây là ngành rất ít người theo học”, Lệ chia sẻ.