Học viện Ngân hàng vừa công bố điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm, bao gồm phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét tuyển học bạ), nhiều ngành có điểm chuẩn lên tới 29,9/30 như ngành Kiểm toán, Ngân hàng, Ngân hàng số, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Luật Kinh tế.
Tiếp đó là ngành Kế toán lấy 29,8 điểm, ngành Kinh tế đầu tư lấy 29,3 điểm. Các ngành còn lại dao động từ 25,5 - 28,54 điểm. Mức điểm này đã bao gồm điểm cộng khuyến khích và điểm ưu tiên.
Với các chương trình đào tạo chất lượng cao, điểm xét tuyển học bạ tính theo thang 40, trong đó nhân đôi môn Toán. Điểm chuẩn các ngành thuộc chương trình đào tạo này dao động từ 36 - 39,9 điểm.
Điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm của Học viện Ngân hàng năm 2024 cụ thể như sau:
Năm 2024, Học viện Ngân hàng dự kiến tuyển sinh 3.514 chỉ tiêu, cao nhất là ngành Tài chính (chương trình Chất lượng cao) với 250 chỉ tiêu.
Học viện mở 2 ngành mới là Marketing và Kiểm toán, 5 chương trình đào tạo mới gồm chương trình chất lượng cao ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đầu tư, Marketing số, cùng chương trình chuẩn ngành Kiểm toán.
Học viện Ngân hàng xét tuyển theo 5 phương thức, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế, xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực và xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2024.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, Học viện Ngân hàng dành 20% tổng chỉ tiêu, tiêu chí xét tuyển dựa trên năng lực học tập của thí sinh căn cứ vào kết quả học tập trong 3 năm học THPT.
Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển: thí sinh có học lực Giỏi năm lớp 12 và có điểm trung bình cộng 3 năm học (năm học lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của từng môn học thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt từ 8.0 trở lên.