Học thuyết quân sự mới của NATO: Hợp lý hóa mục tiêu tồn tại

Diệu Minh 17/10/2010 00:00

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng NATO diễn ra tại Brussels trong hai ngày 14-15.10 đã xem xét lần cuối văn kiện Dự thảo học thuyết quân sự mới trước khi thông qua tại cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 11 tới. “Khái niệm chiến lược mới” sẽ thay thế cho học thuyết lỗi thời ban hành năm 1999, biến khối quân sự phương Tây ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thành một thể chế an ninh quốc tế mới trong thế kỷ XXI.

Văn bản trên chưa được công bố, song Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã trình bày đề cương dự thảo dài 11 trang do ông soạn thảo với sự cố vấn của một ủy ban gồm 12 chuyên gia, đứng đầu là cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Học thuyết mới có tên “Khuyến nghị đối với tầm nhìn chiến lược đến năm 2020”, khẳng định NATO phải tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các nước thành viên - trải dài từ Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ- đúng tôn chỉ mục đích ghi trong Điều 5 Hiệp ước Washington (Hiệp ước về thành lập NATO), trong đó quy định một cuộc tấn công nhằm vào một trong những quốc gia đồng minh là cuộc tấn công chống lại tất cả. Song, vế quan trọng hơn của học thuyết mới là mở rộng phạm vi can thiệp ra ngoài biên giới NATO và thắt chặt quan hệ với các nước từng là đối thủ.

Học thuyết mới đề ra 3 yêu cầu chính: Thứ nhất, NATO phải hiện đại hóa bộ máy quân sự, gồm cả khả năng “răn đe hạt nhân”. Theo đó NATO cần thích ứng với những mối đe dọa nguy hiểm hơn so với thời kỳ đối đầu với khối Hiệp ước Warsaw, đó là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, phổ biến tên lửa đạn đạo, các cuộc tấn công mạng và cuối cùng là các cuộc tấn công chống lại việc tiếp ứng cho các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Tóm lại, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, NATO phải tăng cường tiềm lực ngăn chặn, đối phó và đảm bảo an ninh, lợi ích cho các nước thành viên trước những nguy cơ tiềm tàng.

Yêu cầu thứ hai là phải có tinh thần học hỏi, rút ra bài học từ cái giá quá đắt của cuộc chiến Afghanistan. Theo ông Rasmussen, khi NATO có cách can thiệp khác với một vấn đề tương tự, liên minh sẽ phải tung ra ngay từ đầu các lực lượng an ninh quốc gia có khả năng tiếp sức, nói cách khác NATO cần phối hợp những nỗ lực quân sự và dân sự trong trong “cách tiếp cận toàn diện”. Như vậy đòi hỏi liên minh phải tự trang bị “chút khả năng dân sự để phối hợp hiệu quả” với các lực lượng quốc tế, nhất là Liên Hệp Quốc và Liên minh châu Âu mà không “giẫm lên chân” các tổ chức này.

Cuối cùng là “mở rộng” quan hệ đối tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Vùng Vịnh và cả Nga. Các cuộc chiến khốc liệt mà NATO trực tiếp dính líu trong một thập kỷ trở lại đây cho thấy muốn giải quyết xung đột không chỉ đòi hỏi sức mạnh quân sự truyền thống mà còn cả các nỗ lực dân sự và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kể cả những đối thủ. NATO cần tới Nga trong phòng thủ tên lửa, chống khủng bố, buôn bán ma túy và an ninh hàng hải. Với Trung Quốc cũng vậy bởi nước này đang vươn lên thành một trong các cường quốc hàng đầu thế giới. Sự lớn mạnh của Bắc Kinh khiến NATO không thể không tính đến đối tác này tại châu Á, đặc biệt trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy ba yêu cầu trên xuất phát từ thực tế NATO cần cải cách tổng thể để thích ứng kịp với những thách thức mới của thời đại. Ra đời năm 1949 trong bối cảnh thế giới bị phân chia làm hai cực và ngăn cách bởi Bức tường Berlin, liên minh quân sự Euro-Atlantic có nhu cầu bảo vệ trước nguy cơ bị tấn công từ hướng Đông. Năm 1991, Liên Xô tan rã, khối Warsaw chấm dứt sứ mệnh, NATO cũng không còn đối thủ và về lý thuyết NATO không còn lý do để tiếp tục tồn tại. Bởi vậy để “hợp lý hóa”, các nhà hoạch định chiến lược của NATO đã nỗ lực tìm kiếm một hướng đi mới, trong đó có việc tăng cường sự hiện diện tại các khu vực bên ngoài vành đai - cụ thể là mở rộng can thiệp tới các nước không phải là thành viên. Đó cũng là lý do dự án này có thể sẽ được đưa ra tham vấn các cường quốc mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và các nước khác.

Lâu nay Moscow không hề che dấu sự quan ngại về khái niệm chiến lược mới của NATO. Phía Nga cho rằng NATO đang tiếp tục bành trướng cũng như tính toán về một chiến lược phòng thủ toàn cầu mới, không phù hợp với Hiến chương LHQ. Đặc biệt khái niệm chiến lược mới -lần đầu tiên cho phép NATO sử dụng lực lượng quân sự tại bất kỳ nơi nào trên thế giới vì mục tiêu chống khủng bố- khiến (không chỉ) Nga lo ngại NATO có thể sử dụng chiêu bài chống khủng bố nhằm đảm bảo vai trò thống lĩnh của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Học thuyết quân sự mới của NATO: Hợp lý hóa mục tiêu tồn tại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO