Học thuyết Monroe mới: Hồi sinh đế chế Trung Hoa

Nguyễn Minh dịch 08/06/2014 08:46

Cựu Đại úy Hải quân Sukjoon Yoon, đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chiến lược biển Hàn Quốc vừa có bài đăng trên Eurasia Review, trong đó ông chỉ ra rằng, chiến lược biển hiện nay của Chính quyền Bắc Kinh là Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc với tham vọng hồi sinh trật tự quyền lực của đế chế Trung Hoa xưa kia.

 Nguồn: Historiacultural
Nguồn: Historiacultural

Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc về việc Trung Quốc cần trở thành cường quốc biển thực sự cùng những căng thẳng gần đây ở Biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy quyết tâm ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc biển thống trị trong khu vực - điều gợi nhắc về học thuyết Monroe của Mỹ cách đây gần hai thế kỷ.

Khái niệm cường quốc biển thực sự của Trung Hoa bị tác động bởi một số vấn đề phức tạp: đó là nhân tố nội bộ về tính chính danh đối với vai trò của lãnh đạo mới và các nhân tố bên ngoài như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Các quốc gia châu Á phải cân nhắc hệ quả từ cách tiếp cận của Trung Quốc và tác động của nó đối với khu vực: sự liên kết giữa các bên ở Biển Hoa Đông và Biển Đông liệu có thể trở thành đối trọng với Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh theo đuổi chiến lược cắt lát salami (gặm nhấm dần dần)?

Bốn trọng tâm của Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc

Qua những tuyên bố, có thể thấy dường như Chủ tịch Nước Trung Hoa tập trung nhiều hơn vào chiến lược biển dài hạn so với những lãnh đạo tiền nhiệm. Về cơ bản, vị tân Chủ tịch Trung Quốc đang cố gắng khôi phục lại trật tự của đế chế Trung Hoa cổ đại thông qua bốn đòn bẩy:

Thứ nhất, thành lập các cơ quan cấp cao mới chịu trách nhiệm về chính sách và chiến lược biển trong đó có Ủy ban An ninh Quốc gia. Thứ hai, nâng cao năng lực hải quân để đối phó với chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, đồng thời dành nhiều nguồn lực hỗ trợ lực lượng chấp pháp dân sự trên biển. Thứ ba, lái các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông ra khỏi khuôn khổ luật pháp quốc tế và tăng cường tuyên truyền về những gì Trung Quốc coi là các quyền lịch sử của mình. Thứ tư, chứng tỏ thiện chí bề ngoài của Trung Quốc bằng cách tham gia các diễn đàn quốc tế và các cuộc tập trận đa phương trong khu vực.

Rõ ràng, chiến lược biển mà Trung Quốc đang theo đuổi được xem như là sự cảnh báo đối vớái tất cả các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, về việc không nên nhúng tay vào bất kỳ khu vực nào trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc coi là sân sau của họ. Chiến lược này gợi nhớ tới Học thuyết Monroe, một học thuyết được Tổng thống Mỹ James Monroe đưa ra vào năm 1823 nhằm ngăn chặn các cường quốc châu Âu can thiệp vào vùng biển Carribean và Vịnh Mexico mà Mỹ mặc nhiên coi thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.

Trung Quốc đang ngầm thách thức thế phòng thủ tập thể mà Washington thúc đẩy với vai trò sen đầm tự phong của khu vực ấËn Độ Dương và Thái Bình Dương. Vì vậy, hoàn toàn có thể đồng cảm với những quan ngại từ các nước láng giềng nhược tiểu của Trung Quốc, những nước có cả một lịch sử cay đắng trong quá khứ từng là chư hầu của Vương triều Trung Hoa và tất cả các vùng biển xung quanh là môi trường để phát huy tầm ảnh hưởng và sức mạnh áp đảo của Trung Quốc. Tân Chủ tịch chắc chắn sẽ không dừng lại cho đến khi trật tự này được tái lập xung quanh Trung Hoa hiện đại.

Chiến lược cắt lát salami

Ông Tập Cận Bình dường như quyết tâm xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển thông qua chiến lược tịnh tiến. Với bài học đúc kết từ lịch sử xâm lược của các cường quốc thực dân phương Tây, Trung Quốc sẽ dần trở nên hung hăng hơn ở các vùng biển họ đòi chủ quyền với phạm vi ngày càng mở rộng. Điều quan trọng là Trung Quốc luôn tránh bất kỳ phản ứng thực sự nào từ Mỹ, cho tới khi họ có được một vị thế chắc chắn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông mà không một cường quốc nào thách thức được.

Những quốc gia tin tưởng vào khả năng chủ động của mình sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, và bất kỳ nước nào cố gắng cản trở chiến thuật cắt lát salami của Trung Quốc sẽ nhanh chóng nhận thấy hậu quả. Những động thái gần đây của Trung Quốc ở khu vực là minh chứng rõ ràng nhất cho cách tiếp cận tịnh tiến này: Đó là việc Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông; ban hành quy định đánh bắt mới vào tháng 1.2014, buộc các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào các vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, gồm cả những khu vực mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền; và đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 1.5 vừa qua.

Thời gian và bối cảnh đang đứng về phía tân Chủ tịch Trung Hoa. Một nước Mỹ mệt mỏi sau các cuộc phiêu lưu quân sự không muốn có thêm bất kỳ xung đột nghiêm trọng nào với Trung Quốc. Mặc dù quân đội Mỹ đang cố gắng tái cân bằng lực lượng hải quân tới châu Á - Thái Bình Dương, nhưng do bị cắt giảm ngân sách quốc phòng, nước Mỹ thiếu các nguồn lực để thực hiện điều này một cách nhanh chóng và hiệu quả; trong khi đó quân đội Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện ở các khu vực khác như Trung Đông đầy xung đột, cũng như có những cam kết mới ở châu Âu nhằm ngăn chặn Nga gia tăng ảnh hưởng ở phía Tây thông qua Ukraine.

Trung Quốc, trong khi đó, có thể có cái nhìn xa hơn, lợi dụng các đối thủ cạnh tranh ở khu vực tranh chấp như cơ hội để thực hiện chiến lược cắt lát salami trên biển bất cứ khi nào có thể. Trong bối cảnh hiện nay, khi cạnh tranh giữa hai siêu cường trong khu vực đang trở nên công khai hơn, các cường quốc khu vực khác, đặc biệt là các cường quốc bậc trung như ASEAN, Ấn Độ, Australia, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm cách thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và liên kết với nhau. Tuy nhiên, cho đến nay những nỗ lực như vậy vẫn chưa thực sự rõ ràng và cũng không rõ sự hợp tác của họ hiệu quả đến mức nào để đối phó với Trung Quốc.

Trên thực tế, tất cả các nước trong khu vực đều e ngại tham vọng của tân Chủ tịch đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển bởi không quốc gia nào trong số này có đủ sức mạnh sánh ngang với Trung Quốc và họ có rất ít đòn bẩy quân sự để kháng cự sức mạnh của Trung Quốc.

Các nước trong khu vực có thể làm gì?

Toàn khu vực tha thiết hy vọng tân Chủ tịch sẽ lãnh đạo Trung Quốc thành một người chơi có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển; họ chỉ có thể hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế những hành động được coi là sự đáp trả kiên quyết, sự cưỡng chế có chủ đích thuyết phục bằng vũ lực khi theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ít nhất cho đến nay, các bên vẫn áp dụng chính sách tránh sử dụng các tàu hải quân thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trong vùng biển tranh chấp.

Mặc dù không nước nào trong số các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể là đối thủ của Trung Quốc trên biển, nhưng họ có thể liên kết lại để đối phó với chính sách dài hạn của Trung Quốc dựa trên học thuyết Monroe. Họ nên thử mọi biện pháp có thể để chặn đứng chiến lược cắt lát salami mà không làm leo thang căng thẳng trên biển, ngăn chặn ý đồ của Bắc Kinh tạo ra một sự đã rồi ở vùng biển khu vực, để từ đó hồi sinh trật tự quyền lực của Vương triều Trung Hoa xưa kia.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Học thuyết Monroe mới: Hồi sinh đế chế Trung Hoa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO