Học thuyết Eisenhower còn hợp thời không?

Huỳnh Vũ 13/03/2012 07:48

55 năm trước, học thuyết Eisenhower ra đời, mặc nhiên trở thành giấy thông hành cho phép quân đội Mỹ “ra vào” Trung Đông tự do. 55 năm sau, thời thế đã thay đổi, học thuyết này có còn hợp thời?

Ngày 9.3.1957, Quốc hội Mỹ thông qua học thuyết chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles nhằm tăng cường vị thế của Washington tại Trung Đông. Theo học thuyết này, bất kỳ nước nào trong khu vực Trung Đông cũng có thể xin viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ, nếu bị nước khác xâm lược. Về thực chất, tổng thống Mỹ có toàn quyền sử dụng lực lượng quân sự trong khu vực này. Với lập luận rằng Liên Xô sử dụng Trung Đông vào “các ý đồ chính trị nhằm cộng sản hóa thế giới”, Tổng thống Eisenhower cho rằng Washington phải can thiệp để từng bước thiết lập sự bá chủ của mình tại khu vực trọng yếu, được coi là cửa ngõ giữa lục địa Á-Âu và châu Phi. Khi đó, những lý lẽ này đã được nghị sĩ Mỹ hưởng ứng, đồng thời được một số quốc gia Ảrập chào đón. Học thuyết được coi là công cụ hữu hiệu để Mỹ từng bước can thiệp vào công việc nội bộ và kiểm soát chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực. Năm 1957, Học thuyết Eisenhower đã được áp dụng với lý do bảo vệ Jordani khỏi  cái gọi là “cuộc xâm lược” của Syria. Năm 1958, Mỹ chỉ đạo can thiệp quân sự vào Lebanon, và 9 năm sau đó, Mỹ tiếp tục hỗ trợ Israel xâm lược các nước Ảrập.

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 cũng đồng nghĩa với đối trọng với Mỹ trong khu vực không còn, song không vì thế học thuyết đề ra này bị xếp xó. Trái lại, Washington tiếp tục bành trướng và trở thành một “người chơi” lớn trong khu vực. Theo ông Andrei Volodin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông thuộc Học viện Ngoại giao Nga, Liên Xô trước đây sụp đổ không tạo ra một điều kiện lý tưởng để Mỹ xây dựng một thế giới đơn cực và khẳng định vai trò của mình ở Trung Đông vì trong 20 năm qua đã xuất hiện những thay đổi mới. Trước hết, chính bản thân thế giới đã thay đổi, dù Mỹ vẫn là nước mạnh nhất, song thế giới không thể phát triển theo luật lệ mà Mỹ đặt ra. Các nước đã cân nhắc lợi ích và hành động của mình song hành với lợi ích của các quốc gia khác. Vì thế, chỉ áp dụng đơn thuần học thuyết Eisenhower chủ trương dùng tiền và quân sự trực diện để mua sự thống trị của Mỹ tại Trung Đông không còn là lựa chọn ưu việt nhất và Washington buộc phải có điều chỉnh trong chính sách của mình tại khu vực này. Giới chuyên gia nhận định các chính sách (của Mỹ) phải điều chỉnh trước các diễn biến trong khu vực không phụ thuộc vào ý muốn của Mỹ.

Thực tế cho thấy Washington đã khá nhanh chóng bắt kịp với những thay đổi tại khu vực để tiếp tục theo đuổi mục tiêu số một là tăng cường ảnh hưởng trong khu vực bằng cách phổ biến dân chủ thông qua vũ lực. Một mặt, Washington tăng cường đầu tư tài chính và hoạt động của các cơ quan mật vụ nhằm lật đổ các chế độ không mong muốn. Mặt khác, Mỹ chú trọng chính sách áp lực quân sự. Để làm điều này, Mỹ đã duy trì lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải và Vịnh Persian. Các lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Iraq và các sự kiện ở Libya. Và hiện các lực lượng ấy tiếp tục là công cụ hiệu quả của ngành ngoại giao Mỹ trong khu vực.

Những sự kiện như “Mùa xuân Ảrập” cho thấy nguồn công cụ hỗ trợ đang ngày càng trở nên hoàn thiện. Mạng Internet và các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ từ nước ngoài đã được sử dụng để lật đổ chế độ cầm quyền và hỗ trợ phe đối lập. Thủ tướng Nga Vladimir Putin không loại trừ rằng mục đích của các cuộc biểu tình chống chế độ độc tài trong thế giới Ảrập không hề là mối quan tâm về nhân quyền, mà là “công cụ” để tái phân phối thị trường. Khẳng định điều này là việc chèn ép các đối tác truyền thống, bao gồm các công ty của Nga, tạo cơ hội để các nhà khai thác mới xuất hiện.

Rõ ràng là Trung Đông sẽ tiếp tục pha trộn lợi ích địa chính trị và lợi ích kinh tế của cầu thủ lớn nhất thế giới. Nga, nước phản đối Mỹ can thiệp vào Libya và Syria, từng nêu rõ các nguyên tắc mà các thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong khu vực phức tạp này cần phải tuân theo: đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng các hành động của Mỹ và đồng minh tại Iraq và Libya đã dẫn đến sự hỗn loạn và sự sụp đổ thực tế của các quốc gia này. Mỹ chưa bao giờ định để chịu mất khu vực giàu tài nguyên và có vị trí địa chính trị chiến lược này. Và vì thế mà có vẻ như học thuyết Eisenhower chưa bao giờ trở nên lỗi thời.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Học thuyết Eisenhower còn hợp thời không?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO