Học tập tại di sản

- Thứ Năm, 03/10/2013, 08:05 - Chia sẻ
Nói đến di sản, bạn có thể nghĩ đến các kiến trúc cổ ở những nơi đặc biệt. Nhưng di sản cũng có thể là cái mà từ đó bạn có thể lấy bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Một trường đại học ở Đức đang tiên phong trong cách dạy học tại thực địa khác thường này.

Văn phòng nhỏ của Marie-Theres Albert là một mớ lộn xộn. Trong khi các giáo sư khác cùng sinh viên của họ đang nghỉ hè, Marie-Theres Albert tất bật chuẩn bị cho chương trình học hè, có sự tham gia của học viên đến từ khắp thế giới. Chee Meng Wong, sinh viên Trung Quốc, vừa đặt luận án tiến sỹ lên bàn của Albert. Luận án của anh tập trung vào ý nghĩa của điệu nhảy Ấn Độ ở Singapore. Tại khoa này, không cái gì là quá độc đáo.

“Công việc trong một ngày của chúng tôi đấy” - Albert nói đầy hào hứng. Bà yêu thích thực tế rằng khoa của bà - Khoa Nghiên cứu di sản thế giới - mang tính quốc tế và vượt ra khỏi những điều bình thường. Meng là một trong 13 nghiên cứu sinh tiến sỹ và 113 học viên thạc sỹ đang nghiên cứu tại các di sản văn hóa và thiên nhiên ở thành phố Cottbus, phía Đông Đức, gần biên giới với Ba Lan. Nghiên cứu về điệu múa Ấn Độ của Wong là ví dụ tiêu biểu cho công việc đang được thực hiện ở đây. “Một vũ công không chỉ đại diện cho nền văn hóa của họ. Thông qua điệu múa, những rào cản về văn hóa, dân tộc và giới có thể vượt qua dễ dàng. Điều còn lại chính là con người” - Wong giải thích. Wong vốn là một vũ công ở Singapore trước khi đến Cottbus học tiến sỹ.

Từ Singapore đến thị trấn nhỏ Cottbus nghe có vẻ không bình thường, nhưng các chuyên gia văn hóa từ khắp thế giới trong nhiều năm qua tập trung về đây. Năm 1999, Trường ĐH Kỹ thuật Brandenburg thành lập các chương trình đào tạo về di sản thế giới. Marie-Theres Albert được bổ nhiệm làm Trưởng khoa từ năm 2003. Đây là một trong 10 khoa UNESCO chính thức tại Đức. Với Albert, động lực thôi thúc bà là cam kết bảo vệ sự đa dạng của thế giới chúng ta đang sống. “Còn cách nào tốt hơn để tìm hiểu thế giới bằng cách nghiên cứu các di sản của chúng ta?”

Marie-Theres Albert đã mất nhiều năm vận động không mệt mỏi để xây dựng chương trình học liên quan đến di sản tại một trường đại học kỹ thuật. Bà cũng đã phải đối mặt với những chỉ trích cho ý tưởng “điên rồ” của mình. Nhưng hiện nay, chương trình của Albert được nhìn nhận là một hình mẫu và Cottbus được xem là nơi tiên phong trong lĩnh vực này. Các công trình kiến trúc, việc bảo tồn đền đài cũng được đưa vào chương trình học, cùng với sinh thái học, thiết kế cảnh quan và xây dựng cơ bản. “Không vấn đề gì khi đi đến đâu tôi cũng nghe thấy: ‘Ồ, bà đến từ Cottbus à’. Chúng tôi là trường đầu tiên cung cấp chương trình đào tạo thạc sỹ về di sản thế giới và bây giờ chúng tôi lại là nơi đầu tiên có chương trình đào tạo bậc tiến sỹ trong lĩnh vực này” - Albert nói.

Cottbus đang dẫn đầu thế giới về các chương trình học di sản thế giới. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi những người tốt nghiệp Cottbus sau đó đều phát huy thế mạnh trong nghề nghiệp. “Tất cả học viên, nghiên cứu sinh có đặc tính khác nhau, và quan trọng nhất là nền văn hóa của hóa” - Albert tự hào về sinh viên của mình. “Đối tượng học khá đa dạng. 10 sinh viên đến từ 10 nước làm việc cùng nhau, đó là sự giao thoa văn hóa”. Eike Schmedt là một trong rất ít sinh viên Đức theo học chương trình này. 26 tuổi, đến từ thị trấn nhỏ Goslar, Schmedt đã hoàn thành bằng cử nhân - một trong những yêu cầu bắt buộc cho chương trình thạc sỹ kéo dài 4 học kỳ. Ở Cottbus, tất cả các khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Schmedt đặc biệt thích sự trao đổi với sinh viên đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. “Cách tôi tiếp nhận mọi thứ có thể khác một chuyên gia văn hóa đến từ Mỹ, và đó là điều cực kỳ thú vị. Mọi thứ rất phong phú”.

Học để hiểu các sinh viên khác và hiểu những khác biệt rằng cơ hội tốt hơn mối đe dọa rất quan trọng đối với chương trình học tại đây. Marie-Theres Albert không bao giờ ngừng khuyến khích sinh viên thảo luận cũng như tham gia thảo luận cùng họ. “Di sản thế giới rất phong phú. Phong phú là đa dạng. Đó là điều chúng tôi muốn đạt được với chương trình học này”.

Hà Khanh
Theo DW