Học sinh Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2025
Với thành tích 02 giải Nhì, 01 giải Ba, 03 giải Tư và 5 giải Đặc biệt từ các nhà tài trợ, đây là kết quả cao nhất của học sinh Việt Nam tại Regeneron ISEF kể từ khi tham gia từ năm 2013.
Từ ngày 11/5 đến 16/5 tại Columbus, Ohio (Hoa Kỳ), Đoàn học sinh Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Regeneron ISEF 2025 khi giành thành tích cao nhất kể từ khi tham gia sân chơi này vào năm 2013.
Với 02 giải Nhì, 01 giải Ba, 03 giải Tư và 05 giải Đặc biệt từ các nhà tài trợ, đây là kết quả nổi bật, khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Hội thi năm nay quy tụ gần 1.700 học sinh trung học đến từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và 48 bang của Hoa Kỳ, tranh tài với hơn 1.000 dự án thuộc 22 lĩnh vực. Đoàn Việt Nam tham dự với 9 dự án thuộc 6 lĩnh vực, góp mặt trong nhóm khoảng 25% dự án được trao giải.
Chi tiết thành tích của đoàn Việt Nam như sau:
02 giải Nhì:
Lĩnh vực Robot và Máy thông minh: Huỳnh Huy Hưng và Nguyễn Nhật Tuấn Kiệt (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Sở GD&ĐT Đà Nẵng) với đề tài “TalkieVBot - Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ”.
Lĩnh vực Hóa học: Đỗ Hà Phương và Nguyễn Đức Thái (Trường THPT Việt Đức, Sở GD&ĐT Hà Nội) với đề tài “Vật liệu oxi hóa hiệu năng cao lithium vanadium oxide xử lý môi trường”.
01 giải Ba:
Lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh: Phạm Quang Phúc An và Nguyễn Mai Khuê (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) với đề tài “Phát triển giải pháp hỗ trợ đánh giá sức khỏe sinh sản nam giới tại nhà”.

03 giải Tư:
Đặng Trần Bảo Anh và Mai Tâm Trang (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) với đề tài “Nghiên cứu tạo kháng thể trung hòa độc tố Botulinum Type A dựa trên công nghệ nanobody
Lê Minh Hiếu và Cao Trung Quân (Trường THPT thị xã Quảng Trị, Sở GD-ĐT Quảng Trị) với đề tài “Xe lăn tự hành hỗ trợ người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên trong di chuyển và giao tiếp”.
Hà Nhật Bảo và Nguyễn Tấn Đức (Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh) với đề tài “Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử Nam Bộ”.
5 giải Đặc biệt do các nhà tài trợ trao tặng
Tại cuộc thi, Đoàn Việt Nam đã giành được 5 giải Đặc biệt do các nhà tài trợ là các công ty, tập đoàn và trung tâm nghiên cứu quốc tế trao tặng cho những dự án có tiềm năng ứng dụng cao.
Dự án “Phát triển giải pháp hỗ trợ đánh giá sức khỏe sinh sản nam giới tại nhà” của Phạm Quang Phúc An và Nguyễn Mai Khuê giành 2 giải.
Dự án “Nghiên cứu tạo kháng thể trung hòa độc tố Botulinum Type A dựa trên công nghệ nanobody” của Đặng Trần Bảo Anh và Mai Tâm Trang giành 1 giải.
Dự án “Vật liệu oxi hóa hiệu năng cao lithium vanadium oxide xử lý môi trường” của Đỗ Hà Phương và Nguyễn Đức Thái giành 1 giải.
Giải Đặc biệt thứ 5 được trao cho Dự án “Nghiên cứu tạo chủng Vibrio Natriegens có khả năng sinh tổng hợp β – Nicotonamide Mononucleotide bằng kỹ thuật trao đổi chất” của các em Trần Vũ Thảo Phương và Phạm Huy Tuấn Đạt (Trường THPT Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thành tích này không chỉ thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo và khả năng hội nhập của học sinh Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao vị thế của giáo dục nước nhà trên trường quốc tế. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho việc cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.