Trong chương trình, cùng hai khách mời là nhà nghiên cứu sử học Vũ Đức Liêm và tác giả Phan Đăng, học sinh Trường THCS Trưng Vương được lắng nghe những trao đổi; tương tác với các câu hỏi, trò chơi; biểu diễn văn nghệ gắn với chủ đề Hà Nội.
Mẹ của 2 nữ tướng mà ngôi trường Trưng Vương đang vinh dự mang tên? Tên con phố nhỏ cắt ngang Kim Mã, một đầu dính phố Đội Cấn, một đầu chạm Giảng Võ – mang tên một vị sứ giả đã nhắc vua Minh nhớ đến chiến công của người Việt bằng câu đối “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”? Người Hà Nội với những nỗ lực mạnh mẽ truyền bá chữ Quốc ngữ bằng nhiều hình thức khác nhau: làm báo, dịch sách, in sách, phát hành sách… được mệnh danh là Người khổng lồ của thế kỷ XX?...
Qua việc trả lời các câu hỏi trong trò chơi xếp chữ này, học sinh của nhà trường đã tìm hiểu và biết tên, câu chuyện lịch sử về những người Hà Nội và người gắn bó với Hà Nội ở những thời kỳ khác nhau như bà Man Thiện, Thám hoa Giang Văn Minh, hay học giả Nguyễn Văn Vĩnh...
Học sinh cũng được tìm hiểu, có nhiều thông tin hơn về những tên gọi của Hà Nội gắn với các câu chuyện lịch sử, về ngôi trường Trưng Vương và sự kiện Giải phóng Thủ đô năm 1954...
Từ đó, các em có thể nhận thấy lịch sử không phải chuỗi dài sự kiện gắn với ngày tháng năm chuẩn xác, cụ thể, mà đan xen trong đó còn bắt gặp câu chuyện về cuộc đời của con người thuở xưa, về cách họ sống và cống hiến cho đất nước, về những suy nghĩ và tình cảm, mưu cầu và khát khao rực cháy trong họ; hay hiểu hơn về tên địa danh, tên đường lâu nay đã trở nên quen thuộc…
Sự kiện do Dự án Sách Nhà Mình và nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức. Bộ sách được lấy làm chủ điểm cho chương trình là Chuyện hay Sử Việt, gồm 10 tập của nhóm tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng. Trong tháng 9, ngay sau những ngày khai giảng năm học mới, toàn thể học sinh 4 khối lớp đã được cùng nhau tìm hiểu nội dung bộ sách thông qua hoạt động chọn phương án trả lời đúng với mỗi phần chơi là 15 câu hỏi.
Bộ câu hỏi được xây dựng đan xen giữa các tập, các dòng sự kiện: sự kiện, nhân vật, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước... để qua đó, các em thấy, lịch sử không chỉ là những con số, trận chiến, mà lịch sử là những gì đã diễn ra trên khắp các lĩnh vực của cuộc sống này từ xa xưa tới hiện tại.
Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, với trường Trưng Vương và những người con của Hà Nội, những ngày này rất đặc biệt. Đặc biệt bởi tại ngôi trường từng diễn ra các sự kiện lịch sử vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; một di tích lịch sử cách mạng giữa lòng Thủ đô.
“Mỗi viên gạch, cầu thang gỗ, hành lang trong khuôn viên trường đều là chứng nhân lịch sử, gợi nhắc những ngày tháng hào hùng của Hà Nội. Trong chương trình Sử Việt từ những cuộc đời tại Trường THCS Trưng Vương, Ban tổ chức đã cung cấp nhiều thông tin, đặt những câu hỏi thú vị để học sinh nhà trường tìm ra tên các danh nhân - con người có ảnh hưởng to lớn với vùng đất này. Từ đó, các con thêm hiểu, trân trọng, yêu hơn Thủ đô Hà Nội và biết ơn những gì chúng ta đang có…” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.