Học sinh lớp 1 ở Mỹ được học gì?

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 05:32 - Chia sẻ
Từ nền tảng ở bậc tiểu học, học sinh càng học lên cao càng mạnh mẽ về khả năng tư duy, tự lập và óc thực tiễn...

Không phải học để cho vui

 Nhìn vào chương trình học của trẻ em lớp 1 ở Mỹ, các bạn sẽ hiểu thế nào là cách dạy thực (ở dưới đất) và mộng (ở trên trời). Người Mỹ tính cách thực dụng. Họ quan niệm học là để làm ra cái gì hữu ích cho cuộc sống, chứ không phải học để cho vui. Thành ra ngay từ lớp một trở đi, trẻ được dạy rất kỹ các chi tiết này.

\Ví dụ như học Toán không chỉ biết cách tính toán mà là để hiểu về tư duy logic và cách giải quyết vấn đề. Học sinh lớp 1 sẽ học cộng trừ và các số đếm. Nhưng chủ yếu sẽ học về cách định lượng và ước lượng qua các bài toán đơn giản. Để ra đường thì biết ước tính. Trẻ cũng học xem đồng hồ, nhận biết tiền xu và đếm tiền, nhận biết hình dạng, so sánh số, so sánh chiều dài, trọng lượng và thể tích của hai hoặc nhiều vật... Và tất cả biến thành trò game. Bạn nào thắng nhiều được cô tặng con gấu nhồi bông hay món đồ chơi.

Khi học đọc, trẻ lớp 1 ở Mỹ cũng học để biết đọc biết viết mà không đặt ra quy chuẩn vở sạch chữ đẹp nào hết. Và đọc được là tốt rồi. Nhưng cái cơ bản là học cách kể chuyện từ các cuốn sách đã được đọc và nghe cha mẹ kể. Từ đó có so sánh trải nghiệm của các nhân vật đơn giản ngộ nghĩnh trong truyện, so sánh câu chuyện này và câu chuyện khác...

Học khoa học thì trẻ được giành nhiều thời gian ngoài trời, đi dã ngoại để tìm hiểm về thực vật, côn trùng và các đặc điểm chung của những loài này trên thực tế.  Các con có thể theo dõi vòng đời của bướm hay trồng rau để xem rau lớn lên ra sao, môi trường bên ngoài giúp động, thực vật phát triển như thế nào. Trẻ cũng học về thời tiết, về nhiệt độ, đo nhiệt kế và hiểu về vật lý một cách đơn giản thông qua các bài học này. Các con cũng được mang vật cưng tới trường cho các bạn xem, quan sát và ai thích thì thuyết trình riêng về thú cưng của mình như rùa, thỏ, chó, mèo, cá vàng, vẹt...

 Về đời sống xã hội, trẻ được học về thế nào là thành phố, thế nào là tiểu bang, thế nào là liên bang. Các con cũng học những bài sơ khởi về Hiến pháp và Nhân quyền qua phim hoạt hình rất đơn giản và thú vị. Các con sẽ được đi tham quan bảo tàng, văn phòng chính quyền và thậm chí cả sở cảnh sát để học hỏi và hiểu biết thêm về xã hội. Các con cũng học thế nào là một công dân tốt, các ngành nghề phục vụ xã hội như thế nào, cách làm việc nhóm ra sao...

Trong lớp học cho học sinh tiểu học ở Mỹ, bàn ghế chỉ chiếm 1/4 diện tích, còn lại là chỗ nằm, ngồi chơi.

Trừ giờ học, còn vào giờ đọc sách và ngay cả giờ làm bài tập, trẻ thích ngồi, thích nằm gì cũng được, miễn là trật tự nghe cô nói và làm xong bài trong thời gian quy định. Nếu không thích tham gia, trẻ ra một góc riêng ngồi đó để không làm phiền ai và góc đó được trang trí rất đẹp, thoải mái.

 Nghĩa là ngay từ nhỏ, trẻ con ở Mỹ được học rất nhiều kiến thức thực tiễn và hữu dụng trong môi trường tự do, không gò ép. Nên khi bạn có dịp nói chuyện với một trẻ em Mỹ, bạn sẽ thấy chúng rất già dặn, chín chắn so với trẻ em ở ta. Chúng có thể tự tin bàn luận về các chủ đề rất khó so với tuổi của chúng mà ta hình dung là vì chúng thật sự tự do học hỏi, tìm kiếm thông tin và học ngoài lớp học rất nhiều. Chúng được khuyến khích không sợ cái mới, cái khác với lối nghĩ thông thường và khác với cái thầy cô dạy, và sai thì sửa không có vấn đề gì. 

Từ nền tảng của tiểu học này, càng học lên cao, chúng càng mạnh mẽ về khả năng tư duy, tự lập và óc thực tiễn. Nó khác xa với cách dạy nhồi nhét, từ chương và rập khuôn, "dạy chay" quanh quẩn trong nhà trường.         

Nguồn: ITN

Nhưng phải vui mới học được

Ngoài các bài học trong sách, trẻ lớp 1 ở Mỹ cũng được khuyến khích tham gia các bài rèn luyện kỹ năng chẳng hạn như học cách thuyết trình trước đám đông. Các con sẽ học cách nói trước đám đông từ nhỏ. Mà bắt đầu từ việc thầy cô cho chọn đề tài bất kỳ con thích, ví dụ như nói về thú cưng, về cây cối hoa cỏ, về nhân vật hoạt hình, về anh em trong nhà, về bè bạn... Sau đó, các con chuẩn bị bài đơn giản và khi tới lớp thì nói cho các bạn cùng nghe. Tất nhiên có mang theo những gì cần hỗ trợ cho thuyết trình như con thú cưng, món đồ chơi, hình ảnh, video... Và vì không phải bé nào cũng dạn dĩ, nên thầy cô cho các con đăng ký. Bé nào thích thì xung phong. Nếu tới lớp các con tự dưng sợ thì để lần sau, không sao cả. Mà vì nhiều lần thấy các bạn mạnh mẽ tự tin hơn lên kể chuyện, thuyết trình thì các con thấy quen dần và không sợ nữa.

 Trong lớp học ở Mỹ, các con có giá sách để nhiều truyện tranh hay, nên bé nào thích vào giờ phù hợp có thể tha hồ đọc. Các con cũng có thể nghe các bạn và tự mình kể chuyện. Các con cũng được cô dạy cách viết các từ mới lên giấy và trang trí ngộ nghĩnh rồi dán quanh tường cho nhanh nhớ từ.

Thầy cô luôn dạy các con phải biết học hỏi từ sai lầm của chính mình và người khác. Do đó, có giờ riêng để các con tự kể lại những sai sót của mình và nói xem mình học được bài học gì. Các bạn lắng nghe và học hỏi dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Và ai cũng thích học kiểu này vì giúp tự tin và hiểu biết. 

 Các con luôn học tính cộng đồng trong các trò chơi và hoạt động tập thể trong lớp và ngoài sân chơi. Các con cũng cùng tham gia vào các hoạt động thiện nguyện dù rất nhỏ cùng các bạn trong lớp và ba mẹ để tặng đồ ăn, đồ dùng cho người nghèo, trẻ mồ côi và các bạn khó khăn. 

 Không có ban cán sự lớp cố định mà các con luân phiên nhau làm các công việc quản lý lớp học, dù bé tí. Ví dụ như door helper (giữ cửa cho các bạn khác lúc xếp hàng đi ra sân chơi), cleaner (nhặt rác trong lớp và dọn dẹp đồ chơi còn rơi trên sàn), line leader (đi đầu hàng dẫn lớp), smartboard helper (điều khiển máy tính giúp cô), weather forecast (thông báo thời tiết đầu ngày cho cả lớp)...

Các con được học là trong nhóm thì phải chịu trách nhiệm chung. Do đó, 1 bạn làm sai là cả nhóm chịu kỷ luật. 

 Thầy cô không khen bạn này, chê bạn kia trước mặt các con. Vì điểm số thì 1 năm chỉ chấm vài lần và gửi về cho cha mẹ, còn lại thầy cô nghĩ ra đủ hình thức khen tặng các con, chú tâm vào các điểm tốt dù nhỏ của các con. Do đó các bé rất vui vẻ, tự tin và thích đi học vì tới trường cũng như được đi chơi, có bè bạn, thầy cô.

Bữa sáng, các con tới trường ăn miễn phí. Trưa thì có thể ăn miễn phí nếu nhà thu nhập thấp hay là mang đồ ăn, hoặc ăn tại cantin của trường. Bữa trưa có thể ăn cùng cha mẹ nếu muốn tại trường thoải mái. Có thể ăn trong cantin hay ăn ngoài vườn tùy nơi, miễn vui vẻ và giữ nội quy là được. Vào mùa dịch dù học online nhưng trường vẫn chở thức ăn tới nhà cho các con thu nhập thấp để bảo đảm bữa ăn cho các con.

Đi học là vui với kiến thức, say sưa với kiến thức, nên thầy cô hàng ngày đều cho các con giờ học tự do. Học ngay trong 1 góc lớp, tùy ngày mà các bạn có giờ này sẽ chọn một góc để tự đọc sách, tự vẽ, tự xếp lego, mô hình đồ chơi...

Các con rất yêu thầy cô nên hay chọn tới trò chuyện và tâm sự với thầy cô về đủ chuyện trong ngày. Thầy cô sẽ lắng nghe, trò chuyện với chơi cùng các con.

Các con nào học bình thường cứ đăng ký vào các lớp thường. Bé nào giỏi thì vào học chương trình năng khiếu cũng tự đăng ký. Lớp này sẽ nhiều bài tập hơn và ít học sinh hơn. Bé nào muốn học vượt tuổi thì thi bài vượt tuổi, đậu thì học "nhảy cóc" thoải mái.

Ba mẹ rất tích cực tham gia hoạt động của phụ huynh học sinh. Hội PHHS của Mỹ chỉ yêu cầu một nhà đóng 5 USD/năm. Ai có tiền thì đóng, ai nhiều tiền thì hiến tặng, ai không có tiền thì thôi. Họp PHHS thì họp riêng từng người với thầy cô, có hẹn giờ. Vì vậy, thầy cô sẽ trao đổi rất kỹ về tình hình học tập của con và không gây tổn thương cho bé và cha mẹ vì ngại so sánh với các bạn khác. Khi nào cần họp các vấn đề chung thì mới họp với toàn thể PHHS.

 Trẻ đi học trường công miễn phí 12 năm, miễn tiền sách giáo khoa và học cụ. Hàng ngày, các con được xe bus tới đón đi học tận nhà và trả về tận nhà. Xe bus trường học ở Mỹ màu vàng. Thấy xe đưa đón học sinh, tất cả các xe cộ đang lưu thông trên đường đều phải tránh khá xa, để bảo đảm an toàn cho trẻ và tỏ lòng yêu trẻ.

Vì thế nên các bạn muốn cho con đi du học, thì sẽ cần hiểu con mình sẽ gian nan khó khăn thế nào nếu không được chuẩn bị đầy đủ từ nhỏ. Để khi qua tới nơi thì mới cạnh tranh ngang ngửa được. Tiền thì chỉ là một phần. Nếu không có một con người có phẩm chất, có ý chí, có sự tự lập và chịu khó học hành, có ngoại ngữ giỏi thì tiền cũng sẽ bị ném qua cửa sổ, lãng phí cả núi mà thôi!

Nguyễn Bích Hậu