Học sinh dự bị đại học: Đỗ đại học 95%... nhưng vẫn kém

Ngô Thiệu Phong 02/08/2008 00:00

Cách đây vài năm, trong một chuyến công tác lên Lục Ngạn, Bắc Giang, khi hỏi thành tích học tập ở một bản người Dao, một cán bộ liệt kê danh sách số học sinh (HS) trong bản đỗ đại học, trong đó có cả các em đang học dự bị đại học. Chúng tôi hỏi tại sao tính cả HS dự bị đại học? Anh cán bộ này cho biết, đã học dự bị thì coi như chắc chắn vào đại học vì từ trước tới nay chưa có trường hợp nào ngoại lệ.

Học sinh dự bị đại học: Đỗ đại học 95%... nhưng vẫn kém ảnh 1

Ảnh: TL

      Trong báo cáo tại Hội nghị giáo dục dân tộc vừa qua có đưa ra con số: “Từ 2000 đến nay, các trường dự bị đại học đã đào tạo hơn 13.000 HS, đạt 106% so với chỉ tiêu được giao, 95% HS đủ điều kiện vào ĐH.” Một vị hiệu trưởng của một trường dự bị đại học cho biết: 5% còn lại hầu hết là số HS bỏ học. Như vậy, có thể khẳng định các em đã vào dự bị đại học là đỗ đại học. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị này, đại diện Đại học Hùng Vương thẳng thắn nhận xét: “SV trong diện cử tuyển và thông qua trường dự bị đại học, học lực rất kém”. Kém tại sao đỗ đại học xấp xỉ 100%?
      Hãy bắt đầu từ mục tiêu và phương thức đào tạo của trường dự bị đại học. HS dân tộc thiểu số nếu thi ĐH - CĐ không đậu, không môn nào bị 0 điểm thì được học dự bị đại học. Sau khi học dự bị đại học một năm, thực chất là ôn tập, nhà trường kiểm tra thấy đạt sẽ chuyển tiếp HS lên học đại học. Như vậy có thể nói, cùng với chế độ cử tuyển, dự bị đại học là một hình thức ưu đãi đặc biệt dành cho HS dự bị đại học. Bởi khi đã học trong trường dự bị đại học, các em không cần tham gia kỳ thi quốc gia rất khó để tuyển vào ĐH-CĐ. Nhiều người cho rằng, mô hình dự bị đại học như việc bắc sẵn một cái cầu để HS dự bị đại học qua sông, trong khi những HS khác phải tự mình bơi qua.
      Hiện cả nước có 4 trường và 6 khoa dự bị đại học (thuộc trường phổ thông dân tộc nội trú và trường đại học). Sau khi HS vào học một năm, các trường dự bị đại học tự ra đề kiểm tra, tự tổ chức thi, tự chấm, nếu HS đạt yêu cầu, nhà trường chuyển các em vào học tại các trường đại học. Nhiều người cho rằng, cách làm theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trên có điều gì đó chưa thực sự công bằng, minh bạch. Phải chăng đó chính là câu trả lời cho câu hỏi: kém những vẫn đỗ ĐH xấp xỉ 100%?
      Phương hướng Bộ GD-ĐT nêu ra từ nay đến 2020 tiếp tục mở rộng quy mô các trường dự bị đại học. Trong kiến nghị của mình, các địa phương, các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường dự bị đại học cũng muốn tăng quy mô tuyển sinh. 
      Việc mở rộng quy mô là nhu cầu chính đáng đáp ứng nguồn nhân lực cho khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng thiết nghĩ, trước khi mở rộng quy mô phải chấn chỉnh chất lượng. Khi  hiệu quả giáo dục còn thấp như hiện nay, nếu mở rộng, nâng cấp ồ ạt chắc chắn sẽ lại mắc vào bài toán quy mô - chất lượng như tình hình giáo dục chung của cả nước. Tỷ lệ HS dân tộc thiểu số hiện mới có 15% ở cấp THCS, 10% cấp THPT. Vậy mà 10 năm tới phấn đấu 85% trẻ trong độ tuổi THCS đến trường liệu có khả thi  không, nhất là trong bối cảnh HS vùng khó đang bỏ học như hiện nay. 
      Với sức mạnh của cả hệ thống chính trị, với những kinh nghiệm về phổ cập giáo dục trong thời gian qua, ngành giáo dục và địa phương dư sức đạt được các con số đề ra. Tuy nhiên, việc đó có còn quan trọng nữa trong bối cảnh hội nhập và bản thân ngành giáo dục đang gồng mình chống bệnh thành tích? Trong hội nghị giáo dục dân tộc vừa qua, tất cả các ý kiến đều đồng tình không hạ thấp yêu cầu đối với HS dân tộc thiểu số. Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, không nên có trường đại học riêng cho HS dân tộc thiểu số. Chúng ta yêu cầu HS dân tộc thiểu số có chuẩn đầu ra tương đương với các HS khác. Song, trong quá trình thực hiện thì dường như các biện pháp lại không đi theo hướng đó?

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Học sinh dự bị đại học: Đỗ đại học 95%... nhưng vẫn kém
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO