Học sinh đối mặt nguy cơ “mất học” vì thời tiết cực đoan
Nắng nóng và ngập lụt do biến đổi khí hậu có thể gây gián đoạn học tập nghiêm trọng nếu các trường học không được đầu tư thích ứng. Đây là cảnh báo từ một nghiên cứu mới được công bố tại Anh.
Nghiên cứu do Bộ Giáo dục Anh vừa công bố cho thấy, trẻ em tại quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng “mất học” kéo dài do tác động của nắng nóng cực đoan và nguy cơ ngập lụt tại các cơ sở giáo dục. Các nhà quản lý và giáo viên cho biết những phát hiện này là “thông tin ảm đạm” và kêu gọi chính phủ khẩn trương tăng cường khả năng chống chịu của trường học trước rủi ro khí hậu.

Theo kịch bản được Bộ Giáo dục Anh đưa ra, đến năm 2050, nhiệt độ cao có thể khiến học sinh mất trung bình hơn 8 ngày học mỗi năm, nếu các lớp học không được cải thiện về hệ thống thông gió hoặc trang bị các biện pháp chống nóng hiệu quả. Đặc biệt, khi nhiệt độ trong lớp lên tới khoảng 35 độ C, mức được đánh giá là không phù hợp để việc dạy và học diễn ra hiệu quả, hoạt động giáo dục sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Báo cáo - dựa trên phân tích của Cục Khí tượng Anh và Đại học University College London - cũng chỉ ra rằng ngay cả khi không xảy ra hiện tượng khí hậu cực đoan, nhiệt độ trung bình tăng lên vẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức trong suốt năm học. Trung bình, học sinh có thể mất tới 12 ngày học mỗi năm do tác động tổng thể của thời tiết nóng lên.
“Mặc dù đây mới là các số liệu ban đầu mang tính chỉ báo, nhưng rõ ràng chúng cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại nếu không có hành động thích ứng kịp thời”, báo cáo nhấn mạnh.
Ông Paul Whiteman, Tổng Thư ký Hiệp hội Hiệu trưởng Quốc gia Anh kêu gọi chính phủ ưu tiên việc xây dựng và cải tạo các tòa nhà trường học vốn chưa được thiết kế để ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan.
“Trẻ em cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh trong lớp học, hoặc học trong các công trình không đáp ứng tiêu chuẩn thời tiết, sẽ gặp nguy cơ về sức khỏe, an toàn và khó tập trung vào việc học. Một môi trường giáo dục an toàn và nuôi dưỡng tinh thần học sinh không thể tồn tại nếu không có điều kiện khí hậu ổn định”, ông Whiteman khẳng định.
Cũng theo ông Whiteman, để giảm thiểu rủi ro, chính phủ cần có những đầu tư cụ thể vào các giải pháp thích ứng như: lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, hệ thống thông gió và cách nhiệt hiện đại, cũng như bảo đảm các công trình trường học chống thấm tốt trước các đợt mưa lớn.
Đồng quan điểm, ông Daniel Kebede, Tổng Thư ký Công đoàn Giáo dục Quốc gia cho rằng những phát hiện của nghiên cứu là lời cảnh báo nghiêm túc về những thách thức thực tế đang đặt ra đối với ngành giáo dục trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ tương lai, nó đã và đang diễn ra. Các trường học cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với nắng nóng gay gắt, bão lụt và thậm chí là tình trạng khan hiếm nước”, ông Kebede nhấn mạnh.
Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Bộ Giáo dục Anh đang triển khai thí điểm mô hình “Trường học bền vững” trị giá 4,6 triệu bảng, nhằm thử nghiệm các mô hình thích ứng khí hậu trong giáo dục. Các trường học trong chương trình này sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn không phát thải carbon trong quá trình vận hành và có khả năng chống chịu cao trước rủi ro khí hậu trong tương lai. Đại diện chính phủ Anh khẳng định: “Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và chúng tôi đang tích cực hành động để hiểu rõ tác động của nó đến giáo dục, đồng thời phòng tránh nguy cơ gián đoạn học tập của học sinh”.