Học ngành nào cơ hội việc làm tốt?

- Thứ Hai, 12/04/2021, 06:39 - Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, học ngành nào để có cơ hội việc làm tốt, nhận mức lương hấp dẫn sau khoảng 4 - 5 năm tới? Đây là câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 11.4.

Không lo thất nghiệp nếu...

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng biển, chuyển đổi số... do đó các ngành về kỹ thuật sẽ có nhu cầu rất lớn. “Cuộc Cách mạng 4.0 sẽ đưa sản xuất từ tự động sang thông minh, quá trình đó cũng sẽ đòi hỏi có nền tảng kỹ thuật. Do đó cơ hội việc làm những ngành này trong tương lai còn rất rộng mở”, ông Chương nhận định.

	Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày hội   Ảnh: Nam Trần
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày hội
Ảnh: Nam Trần

Quan sát nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây, GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một số ngành đã và đang tiếp tục có xu hướng phát triển bền vững như giao thông vận tải, cơ khí, ô tô, điều khiển tự động hóa, ngôn ngữ, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y - dược... 

PGS.TS. Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thêm, trong xã hội hiện đại rất cần thầy thuốc và luật sư. Tuy nhiên, "Việt Nam đang bước vào thời kỳ thực sự cất cánh. Trong 5 -10 năm nữa, Việt Nam phát triển rất mạnh, thế hệ các em đang trong giai đoạn thuận lợi, nên tập trung học tập tốt, đừng quá lo lắng có việc làm hay không”.

TS. Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị, công tác học sinh viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng quan điểm, cho dù học bất cứ ngành nào, nếu sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng, chuyên môn, ngoại ngữ, sẽ không bao giờ lo thất nghiệp. Nếu sinh viên thất nghiệp, cần hỏi ngược lại quá trình rèn luyện ra sao, khả năng ngoại ngữ đến đâu, có đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp hay không.

Nhận định về ngành nghề, TS. Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cơ hội việc làm trong ngành sinh học khá lớn. “Trong đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia về công nghệ sinh học tham gia phân loại, xét nghiệm Covid-19. Hay sau khi học xong, các em có thể làm về công nghệ thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, làm trong các nhà máy chế biến hoặc phòng xét nghiệm tại bệnh viện”.

Ngành "hot" chưa chắc dễ xin việc

Theo PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, công nghệ thông tin và tự động hóa vẫn là những ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nghề những năm tới. Nhưng không phải vì thế mà dễ xin việc, bởi các ngành "hot" đều có độ cạnh tranh cao, trong đó sự tiến bộ về công nghệ sẽ có biến động nhiều hơn so với các ngành khác. “Sinh viên không chỉ gói gọn việc học hành trong 4 - 5 năm học ở trường đại học mà trong cuộc đời của mình, những người chọn ngành này sẽ ít nhất phải có 1 - 2 lần bổ sung, cập nhật kiến thức kỹ năng để không bị lạc hậu”, ông Điền nói.

PGS.TS. Nguyễn Phong Điền cũng lưu ý thí sinh cần phân biệt “ngành hot" và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. “Một số ngành thí sinh chưa nắm rõ thông tin, ít đăng ký và được cho là không "hot", nhưng sinh viên học đến năm thứ 3, thứ 4 đã được doanh nghiệp săn lùng như luyện kim, kỹ thuật vật liệu… Điểm chuẩn vào các ngành này cũng thấp hơn nhiều so với những ngành khác”. Như ngành kỹ thuật môi trường ít thí sinh lựa chọn, nhưng dự báo khoảng 5 năm nữa chắc chắn ngành này sẽ rất nóng. Hoặc ngành năng lượng tái tạo cũng vậy… “Các em đừng chỉ nhìn vào tự động hóa, công nghệ thông tin, những ngành quan trọng nhất cần cho sự phát triển là cơ khí, hóa học…”, ông Điền nhấn mạnh.

Lấy ví dụ, kế toán và sư phạm cách đây 10 năm là những ngành "hot", nhưng nay đã có dấu hiệu bão hòa, TS. Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, ngành công nghệ có thể bão hòa sau nhiều năm nữa rất dễ xảy ra, do đó, thí sinh cần thận trọng khi chọn những ngành nghề “thay đổi từng ngày, từng giờ”. Đồng thời, mỗi thí sinh cũng cần là khách hàng thông thái, nghiên cứu để chọn đúng trường tốt, phù hợp với sở trường của mình.

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 ở Hà Nội do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, có sự tham gia của gần 100 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, với gần 170 gian tư vấn. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, ngày hội được tổ chức tại Hà Nội. Thí sinh và phụ huynh được các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia tuyển sinh của các trường cung cấp những thông tin mới nhất về thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021, kinh nghiệm ôn thi hiệu quả, cách chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp; phương thức tuyển sinh của các trường, môi trường đào tạo...

 

Khải Minh