Tản mạn

Học lại yêu thương

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:14 - Chia sẻ
Rồi dịch sẽ qua, nhưng không thể một sáng một chiều. Chúng ta cần một thời gian cùng nhau và tự mình thoát khỏi trạng thái này, làm mềm những vết chai sạn trong tâm hồn, để rung cảm trở lại với những yêu thương xao động bình thường như trước.

Từ đầu giãn cách, các đồng nghiệp tôi đã tổ chức những tuyến bài về nguy cơ và biện pháp phòng chống những cơn trầm cảm, stress do phong tỏa, giãn cách.

Rất tiếc, một khi đã ở trong trạng thái phong tỏa, giãn cách lâu ngày, không phải ai cũng có tâm trạng đọc về nguy cơ trầm cảm và ý thức được nhu cầu phòng tránh nó. Bạn nào có người thân bị trầm cảm, sẽ hiểu rằng giải thích về tác hại của trầm cảm với người đang trầm cảm, là khá vô nghĩa.

Đa phần bạn bè Facebook của tôi không phải là người đang ở trọ. Và có thể nhà trọ mà thời chúng ta ở hồi đi học, sống cùng chủ nhà, có không gian khác hơn những dãy trọ vùng ven bây giờ, nơi sinh sống của người lao động nghèo.

Bạn tưởng tượng thế này: Tận cuối các con hẻm sâu, xung quanh là nhà cao, có một mảnh đất chiều ngang 7 - 8 mét, dài 30 - 40 mét. Người ta xây hai dãy phòng trọ với lối đi giữa chừng 1 mét. Ở đó không bao giờ có nắng, nước đọng nhếch nhác và mở cửa ra tầm nhìn của bạn chỉ xa 1 mét. Và đầu con hẻm thì giăng dây. Ở đó bạn không có tivi, ăn mì tôm và nước tương, thỉnh thoảng mới có tí rau. Bạn đi vào đi ra trong cái dãy trọ ấy với hàng trăm con người, đeo khẩu trang suốt ngày và đọc tin tức về các ca nhiễm và tử vong. Không sách báo, không thời trang, điện thoại hết tiền không có tiền nhập. Ở nhiều nơi, trong nhiều tháng liền, có thể (chỉ là có thể thôi, không phải dãy trọ nào cũng vậy), bạn không nhìn thấy một cái lá cây hay nghe một ngọn gió. Cà phê thuốc lá là thứ xa xỉ, và khi bạn cần yên tĩnh thì có 3 - 4 người cùng phòng trọ có nhu cầu nói hay nghe nhạc từ cái loa stereo rè rẹt của điện thoại. Bạn không được đi bộ, bạn ngửi duy nhất là cái mùi phòng trọ...

Và bạn cũng cần biết điều này: Đa số những công nhân và người nghèo ấy đã dùng số tiền dành dụm ít ỏi để sống và trả tiền trọ cho tháng đầu tiên giãn cách, mất việc. Họ kiệt tiền từ mấy tháng nay rồi. Đa phần trong số họ đang ngồi tiếc, giá mà kịp rời thành phố để giờ này có thể ngồi bờ ruộng ở quê mà hít đầy lồng ngực một ngọn gió có mùi bùn.

Con tôi đã gần như không ra khỏi nhà từ cuối tháng 5. Đúng hơn là chúng nó có thể đi lại trong công viên nhỏ trước nhà. Cách 20 mét là nhà bạn, nhưng hơn hai tháng nay thằng cu út vẫn chỉ chat và đấu game online với bạn. Nó có lúc đã trở nên càu nhàu nóng nảy. Tôi cũng không nói chuyện nhiều với nó vì nó không ra ngoài nhiều tháng để có trải nghiệm, giao tiếp gì mà kể với bố. Dù vậy, nó chắc chắn hạnh phúc hơn nhiều cùng lứa trong các xóm trọ. Nó có được mấy ngày đầu hè về nội, nó có nhiều sách và máy tính nối mạng và đủ lớn để có thể phần nào đó tự đáp ứng nhu cầu tinh thần bằng các tin tức và chương trình giải trí.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh đến nay có khoảng 300.000 ca nhiễm và 12.000 người đã chết. Con số tử vong đang giảm dần nhưng vẫn gần 200 người chết mỗi ngày. Những cái chết không còn gây hoảng loạn bởi chúng ta dần quen với nó. Việc coi ngày giờ làm đám là xa xỉ và những tử thi được bó lại đưa đi là điều bình thường. Nói cách nào đó thì chúng ta đang thích nghi với sự bất thường, nhưng chai sạn cũng là một dạng của stress.

Rồi dịch sẽ qua, nhưng không thể một sáng một chiều. Chúng ta cần một thời gian cùng nhau và tự mình thoát khỏi trạng thái này, làm mềm những vết chai sạn trong tâm hồn, để rung cảm trở lại với những yêu thương xao động bình thường như trước.

Ngay cả thương yêu, cũng cần học lại!

Đức Hiển