Học gì thi nấy, chứ không thi gì học nấy

PGS. TS. Văn Như Cương
Ng. Anh - L. Thư ghi
25/08/2015 08:22

Truyền thống giáo dục của ta từ trước đến nay là thi gì học nấy. Đó là lối học theo kiểu ứng thí - học để đáp ứng kỳ thi. Muốn giải quyết được điều này chúng ta phải có một kỳ thi trong đó bắt buộc học sinh phải học tất cả các môn, học gì thi nấy.

Bắn một mũi tên theo hai hướng

Kỳ thi vừa rồi tôi thấy giống như một cách kiểm định chất lượng xem học sinh có đạt mức độ đó hay không (đó là thi tốt nghiệp), còn để tuyển chọn vào Đại học thì chưa đáp ứng được. Có nên nhập 2 kỳ thi làm 1 không khi tính chất của 2 kỳ thi ấy khác nhau, một là thi để vượt qua ngưỡng đề ra, còn một là để tuyển chọn đào tạo ngành nghề?

Tôi băn khoăn ngay từ đầu việc gộp hai kỳ thi vào làm một, tức là bắn một mũi tên theo hai hướng khác nhau. Để giảm chi phí thì thi riêng vẫn có thể giảm được. Ví dụ như thi tốt nghiệp, chúng ta hãy làm hết sức đơn giản, giao các Sở GD - ĐT chủ trì. Người ta dạy dỗ, quản lý học sinh suốt 12 năm, tại sao lại cho rằng người ta không có khả năng để thực hiện kỳ thi tốt nghiệp? Bộ GD - ĐT chỉ cần đưa ra biện pháp chống tiêu cực và dẫu cho tỷ lệ tốt nghiệp 98% hay 100% cũng không đáng lo ngại gì vì các em đã học 12 năm và đủ điều kiện thi tức không phạm khuyết điểm gì thì việc cấp cho các em chứng chỉ tốt nghiệp là bình thường. Một kỳ thi như thế đơn giản và không tốn kém. Còn khi thi tuyển vào Đại học, Cao đẳng, như Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực, chỉ 1 buổi là xong. Đề thi tổng hợp kiến thức tất cả các môn, học sinh không thể học lệch và cũng không thể có tiêu cực khi được tổ chức trên nền công nghệ thông tin. Đó là cách thi rất gọn nhẹ, không tốn kém. Vì thế, đừng vin vào cớ gộp hai kỳ thi để giảm chi phí, mà do cách tổ chức của ta tốn kém và nặng nề.  

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh Ảnh: Thanh Vũ
Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh
Ảnh: Thanh Vũ

Vấn đề thứ hai là thi Đại học có nên thi chung một bài thi như vừa rồi không? Ví dụ như môn Toán thì ai cũng làm bài giống nhau, trong khi mỗi trường Đại học lại có những yêu cầu khác nhau để đáp ứng chuẩn đầu ra, như Trường Đại học Sư phạm đào tạo ra thầy giáo dạy Toán, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đào tạo ra những người nghiên cứu Toán, Trường Đại học Bách khoa thì đầu ra là dùng Toán học áp dụng vào công nghệ kỹ sư… Rõ ràng đầu ra khác nhau mà chúng ta làm một bài thi giống nhau thì không ổn tí nào. Theo tôi, phải giao quyền tự chủ cho các trường Đại học. Trường Đại học Sư phạm sẽ ra những câu hỏi về Toán để chọn những người có khả năng trở thành nhà giáo chứ không phải trở thành nhà nghiên cứu...

Nguy cơ học lệch

Việc học tập phụ thuộc vào cách thi cử. Nếu duy trì tổ chức thi như vừa rồi sẽ dẫn đến học lệch. Văn, Toán, Ngoại ngữ, thêm một môn nữa là đủ để tốt nghiệp cũng như xét tuyển Đại học. Thi như thế thì tất cả học sinh từ lớp 10 đã chỉ chú trọng vào các môn thi, những môn khác không học. Tôi cho cái đó là nguy hiểm nhất. Về xét tuyển, nếu theo kiểu tha hồ chọn nguyện vọng như năm nay thì không định hướng cho học sinh chọn nghề nghiệp. Ví dụ, một em thích ngành y, muốn làm việc liên quan đến ngành ấy nhưng không đủ điểm thì rút hồ sơ và đăng ký vào khoa Điện tử hay Tin học… Vậy là thí sinh không chọn đúng ngành học mình muốn. Mà không đúng ngành nghề yêu thích thì ra làm việc không tốt.

Như vậy, để lên một kế hoạch lâu dài, trước hết Bộ phải tổng kết cái được, mất trong kỳ thi này, phân tích đầy đủ, đi sâu vào nguyên nhân vì sao kỳ thi trở nên lộn xộn, và chủ trương 2 trong 1 có đúng không? Không thể đổ lỗi cho tâm lý của thí sinh chưa chuẩn bị… Tiếp đó, chúng ta quyết định: một là làm mô hình mới, hai là vẫn duy trì như năm nay nhưng phải sửa chữa những điểm chưa được. Tôi đồng ý với nhiều nhà nghiên cứu rằng sẽ phải làm lại từ đầu. Phải trao quyền tự chủ cho các Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường Đại học, tổ chức thi tốt nghiệp riêng, thi ĐH, CĐ riêng, với đề mang tính tổng hợp và phù hợp với yêu cầu từng trường Đại học. Tôi không cho rằng làm như vậy là quay về cái cũ. Đó là đổi mới, đổi mới về đề thi, cách thức tổ chức kỳ thi. Tất nhiên phải chú ý đến sự chi phối của kỳ thi đối với việc dạy và học trong nhà trường. Bởi vì truyền thống giáo dục của ta từ trước đến nay là thi gì thì học nấy. Đó là lối học theo kiểu ứng thí - học để đáp ứng kỳ thi. Mà muốn giải quyết được điều này chúng ta phải có một kỳ thi trong đó bắt buộc học sinh phải học một cách toàn diện tất cả các môn, phải học gì thi nấy.

Tôi không nghĩ thi cử là một bước quyết định hay khâu đột phá trong đổi mới giáo dục mà hiện nay chúng ta nên tập trung vào vấn đề lớn, đó là chương trình và sách giáo khoa, sau đó kiểm định. Thi cử phải dựa trên khung chương trình trong sách giáo khoa cho phù hợp.

 “Nếu mô hình thi của Đại học Quốc gia Hà Nội được chấp thuận thì cách tổ chức thi theo kiểu đó sẽ do một cơ quan độc lập với các trường Đại học, thậm chí độc lập với Bộ Giáo dục - Đào tạo, gọi là Trung tâm Khảo thí chẳng hạn, tổ chức. Người ta sẽ lập ngân hàng đề thi đủ phong phú, không lặp lại các năm và tổng hợp những kiến thức mà các em học ở bậc phổ thông, giống kiểu SAT của Mỹ. Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ đặt ra tiêu chuẩn để các trường sử dụng kết quả kỳ thi đó như thế nào. Với cách làm đó, việc học hành, thi cử bớt lệch môn hơn”.

PGS. TS. Văn Như Cương

    Nổi bật
        Mới nhất
        Học gì thi nấy, chứ không thi gì học nấy
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO