Học chuyển đổi nghề, vì sao chưa mặn mà?

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 06:15 - Chia sẻ
Nhằm giảm bớt khó khăn cho các lao động bị mất việc, ngoài khoản tiền trợ cấp thất nghiệp trong vòng 6 tháng, người thất nghiệp còn được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng/6 tháng để học nghề, tìm kiếm việc làm mới. Thế nhưng, phần lớn các lao động sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp, khi được tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề thì đều từ chối. Vì sao vậy?
Cần kết nối giữa trường nghề, lao động học nghề và doanh nghiệp

Thất nghiệp nhiều, học nghề ít

Anh Nguyễn Văn Hùng ở Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An từng làm công nhân đóng tàu tại Hải Phòng. Do công ty cổ phần hóa, sắp xếp lại và cắt giảm nhân công nên anh mất việc. Anh Hùng cho biết: cùng với khoản trợ cấp thất nghiệp, anh rất muốn học thêm một nghề khác để chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, do tuổi đã lớn, bản thân đã có tay nghề 4/7 và chuyển nghề khác đều không phù hợp nên quyết định ở nhà mở xưởng riêng làm cửa sắt, thay vì học chuyển đổi nghề.

Tương tự, chị Trần Thị Thu ở phường Hưng Dũng, TP. Vinh đang làm chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, trước đây từng làm kế toán và quản lý ở doanh nghiệp lớn. Khi làm chế độ trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cũng tư vấn, giới thiệu 1 số nghề nhưng thấy không phù hợp và qua tìm hiểu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của địa phương có một số nghề nhưng thời gian hỗ trợ chỉ 6 tháng nên chị không yên tâm đăng ký học.

Đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn lao động Nghệ An thất nghiệp và có nhu cầu tìm việc làm mới mỗi năm. Tuy nhiên, do các nghề không phù hợp nên họ không mặn mà. Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, mỗi năm Nghệ An có từ 8.000 - 10.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lao động thất nghiệp tăng lên 12.000 người, gồm cả lao động tại các doanh nghiệp nội tỉnh, các lao động Nghệ An làm việc ở ngoại tỉnh về. Vậy nhưng, năm 2019 chỉ có 180 lao động xin học nghề, năm 2020, cao điểm dịch Covid-19 chỉ có 192 hồ sơ; 6 tháng đầu năm 2021 có 100 hồ sơ học nghề.

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm thuộc Sở Lao động, Thương  binh và Xã hội tỉnh Nghệ An nêu thực tế, mục tiêu làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp của đại đa số người lao động chỉ là nhận chế độ chứ không tha thiết với việc học nghề để chuyển đổi nghề. Với mức chi trả trợ cấp thất nghiệp bình quân từ 3 đến trên 10 triệu/lao động/tháng, tùy theo số năm đóng từng người dù chưa nhiều với các lao động nhưng mỗi năm quỹ bảo hiểm chi khoảng 200 tỷ đồng để giải quyết trợ cấp thất nghiệp là không nhỏ.

Ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An xác nhận: Cũng như nhiều tỉnh khác, số lao động thất nghiệp Nghệ An đăng ký học nghề rất ít và nếu có thì chủ yếu là học nghề/bằng lái ô tô. Các nghề được hỗ trợ học như chế biến nông lâm thủy sản, cắt tóc, nấu ăn… theo định hướng nhà nước thì lao động lại không thích học và khoản hỗ trợ cũng thấp nên người lao động không mặn mà.

Mặc dù, Nghệ  An có hơn 10 trường dạy nghề nhưng trang thiết bị học nghề còn khá lạc hậu, chậm đổi mới. Chỉ có Trường Cao đẳng Nghề Việt Hàn phối hợp với Cộng hòa Liên bang Đức để đào tạo 1 số nghề mũi nhọn, chuyển giao nhưng chỉ tiêu hàng năm lại quá ít, mỗi năm chỉ 3 lớp, mỗi lớp chỉ 10 - 15 người. Chính vì vậy, dù số lượng lao động qua đào tạo hằng năm nhiều nhưng khi tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền là phải đào tạo lại, không ít lao động có bằng nghề muốn vào làm việc còn bị doanh nghiệp thu phí nên các lao động cũng băn khoăn.

Tín hiệu vui

Trước thực tế trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ điều chỉnh tăng mức hỗ trợ. Theo đó, từ 15.5.2021 lao động thất nghiệp nếu học thêm nghề để chuyển đổi sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, nếu lao động học sơ cấp nghề 3 tháng thì được hỗ trợ 4,5 triệu đồng/người; tùy theo nghề mà lao động đăng ký học, có thể được nhà nước hỗ trợ với thời gian dài hơn thay vì giới hạn 6 tháng như trước đây.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tăng mức hỗ trợ học nghề với người thất nghiệp là tín hiệu đáng mừng nhưng chỉ là một phần. Bởi, cùng với tăng mức hỗ trợ học chuyển đổi nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần đổi mới trang thiết bị và giáo trình dạy học. Bản thân các lao động thất nghiệp là người đã có kinh nghiệm và tay nghề nên cơ sở dạy nghề phải thực sự uy tín và đào tạo được nghề xã hội cần thì mới có người học. Đổi lại, khi người lao động tin tưởng và có cơ hội việc làm mới thì mức hỗ trợ 1 triệu hay 1,5 triệu đồng/tháng của Nhà nước không còn quan trọng.

Ông Hoàng Sỹ Tuyến, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An cho rằng, để khích lệ lao động thất nghiệp học nghề chuyển đổi nghề, phải tăng cường sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp có nhu cầu lao động. Theo đó, thay vì học ở các cơ sở dạy nghề, cần đánh giá, dựa vào năng lực lao động thất nghiệp để gửi đào tạo ở những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, có thể được làm quen ngay với hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại. Sau khi hoàn thành khóa học, doanh nghiệp sẽ nhận những học viên đạt yêu cầu ngay mà không phải qua một khóa đào tạo làm quen với máy móc, dây chuyền thực tế.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải