Học Bác từ những việc làm bình dị

Thái Minh 18/05/2019 08:02

Họ là những con người bình thường nhưng đã có việc làm, hành động cao cả vì cộng đồng, có sức lan tỏa trong xã hội. Họ là những “bông hoa” như câu nói của Bác Hồ: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Từng câu chuyện nhỏ

Liên tiếp 7 năm qua, triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đã trở thành hoạt động ý nghĩa, không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp mọi miền mà còn góp phần làm cho nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Mỗi hình ảnh, bài viết là một câu chuyện cảm động về những con người đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, dốc lòng, dốc sức vì lợi ích cộng đồng, vì đất nước.

Đó là câu chuyện của cô giáo trường làng Trần Thị Thúy. 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, cô được phân công giảng dạy tiếng Anh tại Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên. Thời gian đầu thử thách thách cô giáo trẻ, dạy ngoại ngữ trong môi trường giảng dạy nhiều khó khăn, với suy nghĩ “cứ kiên trì thì mọi điều sẽ trở nên dễ dàng”, cô tìm tòi phương pháp dạy hấp dẫn học sinh. Năm 2016, Trần Thị Thúy đoạt giải Nhì toàn quốc cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin”, năm 2019 trở thành một trong 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu.

Giờ giảng tiếng Anh của cô giáo Trần Thị Thúy, Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên
Giờ giảng tiếng Anh của cô giáo Trần Thị Thúy, Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên

Nhớ lại lần tham gia Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada, được đại diện tập đoàn Microsoft phỏng vấn, mời tới Canada làm việc, cô từ chối với lý do: “Em ra đi là để trở về”. Với người giáo viên ấy, từ bỏ cơ hội tốt không phải đóng lại cánh cửa thành công, mà để viết tiếp ước mơ của thế hệ học trò quê hương, giúp chúng tự tin đi tới thành công, bước ra thế giới. “Hạnh phúc nhất của tôi là mỗi ngày đến lớp, dạy cho các em từng bước trở thành công dân toàn cầu”.

Đó là câu chuyện Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, Yên Bái) Lê Thị Lụa, với hành trình gần 10 năm giúp địa phương từng ngày thay da đổi thịt. Những ngày chị mới nhận nhiệm vụ, đời sống bà con nghèo khó, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đường sá khó khăn, cản trở phát triển kinh tế. Từ việc triển khai đăng ký xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị đã bàn với cấp ủy, UBND mạnh dạn quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung dựa trên thế mạnh của từng vùng. Cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã tự nguyện hiến trên 57.000m2 đất làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn, đường giao thông…

Chị Lê Thị Lụa tâm sự, để đạt được điều đó tuy rằng máu chưa đổ nhưng mồ hôi, nước mắt cũng nhiều. Dẫu vậy, hạnh phúc nhất của người cán bộ, Đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao. “Nhìn lại năm tháng qua, cùng dân giải phóng mặt bằng hàng nghìn mét vuông đồng lúa chín trong một tuần, mở đường, đổ đường bê tông nối làng, đóng góp hỗ trợ những gia đình nghèo hiến đất… việc nào tôi cũng tự nhủ, là người lãnh đạo, gian khổ đến mấy cũng xung phong đi trước, làm trước”.

Nảy nở như hoa mùa xuân

 “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi…”. Đấy là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 6.1968, khi cho ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”. Từ đó đến nay, bài học về sức mạnh của nêu gương vẫn còn đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Những câu chuyện về “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, bởi vậy, càng là dịp lan tỏa việc làm hay, hành động tốt ra cộng đồng.

Được vinh danh là tấm gương để mọi người học tập, nhưng đối với những con người ấy chỉ giản dị như hoàn thành công việc mỗi ngày, và tình cảm sẻ chia yêu thương thì bao giờ cũng tràn đầy. Vì lẽ, họ biết đâu là xuất phát điểm cho hạnh phúc, đâu là động lực cho cuộc sống có ý nghĩa. “Tôi biết rằng, hạnh phúc là khi con người xuất phát từ cái tâm làm điều tốt đẹp cho cộng đồng. Bằng khả năng của mình, làm những gì tốt nhất cho học trò đối với tôi chính là niềm tự hào, cũng là nguồn sức mạnh to lớn để tiếp tục đồng hành trên con đường cùng các em thực hiện ước mơ”, cô Trần Thị Thúy nói.

Để mang lại những kết quả tốt, đem đến lợi ích cho cộng đồng, một phần là nhờ trong suốt hành trình, họ luôn nhận được sự cộng hưởng từ những người xung quanh. Như với cô giáo Trần Thị Thúy là những người thầy, đồng nghiệp tận tụy, với Bí thư xã Lê Thị Lụa là cán bộ xã và bà con nông dân. “Những ngày huy động làm đường giao thông, từ cán bộ xã đến bà con ai cũng đồng lòng làm cùng mình, không quản ngại gió mưa vất vả. Đoạn đường khó, anh em mua bánh mì tiếp tế, ăn cùng với dân. Lúc trời nắng, có chị em ở nhà đun nước, gánh ra phục vụ, có cụ già không tham gia lao động được thì luộc sắn đem đến... Việc lớn mà chỉ cần từng động viên nhỏ như thế đã chắc chín phần thành công rồi”, chị Lê Thị Lụa xúc động.

“Bình dị mà cao quý, nhân dân cũng chính là tấm gương sáng vậy” - Đại úy Lương Thái Dũng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô đúc kết từ quá trình công tác của mình. Đạt nhiều khen thưởng, được đề nghị tuyên dương là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018, với anh những thành tích đó chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều việc làm tốt vẫn đang hàng ngày diễn ra trong đời sống. “Những việc làm của mình xuất phát từ trách nhiệm, từ mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho cộng đồng nhưng cũng đến từ chính tình cảm, lòng tin của nhân dân dành cho. Đấy là sự tác động tích cực hai chiều để mỗi người cùng cố gắng, để cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp như lời nhắn nhủ của Bác Hồ”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Học Bác từ những việc làm bình dị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO