Học Bác gìn giữ hạt ngọc cho đời

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 07:01 - Chia sẻ

Không có ai không rơi nước mắt khi nghe những ca từ xúc động trong bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" của nhạc sĩ Trần Hoàn. Ước nguyện cuối cùng đó cũng là minh chứng cho tình yêu lớn lao Người dành cho dân ca nói chung và dân ca xứ Nghệ nói riêng. Đối với những người được sống trong thời khắc ấy, chứng kiến thời khắc lễ truy điệu Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 9.9.1969 như Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Viết Hoài cảm xúc thật khó tả. Suốt cuộc đời người nghệ sĩ tài ba luôn đắm đuối với dân ca, đặc biệt là dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh như một lời khẳng định: Để tình yêu lớn lao của Bác Hồ với dân ca được trường tồn.

Người “thổi hồn” cho những làn điệu dân ca xứ Nghệ

Có lẽ ở mảnh đất dưới chân núi Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), khi nói đến dân ca ví giặm, ai cũng nghĩ ngay đến Nghệ nhân ưu tú, soạn giả, tác giả Nguyễn Viết Hoài. Ở ông có sự hội tụ độc đáo giữa âm nhạc khoa học (ông được đào tạo bài bản) và nét bình dị mộc mạc của người nghệ sĩ dân gian. Sẽ không sai nếu như nói rằng ông chính là người thổi hồn cho những làn điệu dân ca xứ Nghệ, người giữ gìn, phát huy và truyền cảm hứng di sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc tới thế hệ mai sau.

Lãnh đạo HĐND, UBND thị xã Hông Lĩnh cùng phòng, ban ngành liên quan tặng hoa chúc mừng nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Việt Hoài
Ảnh: Bình Nguyên

Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, gió lộng hương nhài, rung rinh những trái hồng ửng đỏ trong nắng sớm, cuộc sống của người nghệ sĩ dân gian cũng thật thi vị. Đã qua cái tuổi thất thập nhưng tôi có cảm giác ông vẫn còn trẻ lắm, tình thơ dạt dào, tình đời thiết tha, những làn điệu dân ca ông cất lên tha thiết, mượt mà. Cái duyên với dân ca vận vào ông từ thuở trong nôi, qua lời ru à ơi ngọt ngào của người mẹ thành Vinh. Để rồi những lời ca, điệu ví ấy như bầu sữa nuôi ông khôn lớn, ngấm vào máu thịt. Ở cái tuổi lên mười, trong khi chúng bạn hồn nhiên ham chơi thì Nguyễn Viết Hoài đã biết ghi chép lại những lời ru mẹ hát, những làn điệu các cụ cao niên soạn lời, biểu diễn qua các đợt sinh hoạt, hội hè. Không chỉ được nuôi nguồn cảm hứng từ lời ru của mẹ, lý tưởng của người cha, người đảng viên đầu tiên của làng rèn Vân Chàng (Đức Thuận, Hồng Lĩnh ngày nay) cùng với truyền thống quê hương anh hùng đã sớm thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết.

Ở lứa tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Nguyễn Viết Hoài không chỉ là cán bộ đoàn năng nổ của xã Đức Thuận mà còn là diễn viên không thể thiếu trong các hội diễn văn nghệ. Năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, theo Đảng, theo Bác, Nguyễn Viết Hoài lên đường nhập ngũ. Nhờ năng khiếu văn nghệ bẩm sinh, từ người lính cầm súng anh được chuyển sang đoàn văn công của Tỉnh đội Hà Tĩnh, bắt đầu những bước ngoặt trong cuộc đời người nghệ sĩ, anh được làm quen với những người bạn có cùng đam mê âm nhạc, viết kịch; được cử đi học lớp viết kịch Khóa I, được đào tạo chuyên sâu và có nhiều cơ hội nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, không chỉ dừng lại ở dân ca Nghệ Tĩnh mà còn có cả dân ca của mọi vùng miền. Từ một diễn viên, ông trở thành soạn giả, tác giả, người quản lý, đạo diễn… cuốn sổ sưu tầm, ký âm các làn điệu dân ca của ông cũng dày lên theo năm tháng. Năm 2012, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian. Tháng 3.2019, vinh dự cho quê hương Hồng Lĩnh, gia đình và cá nhân khi ông được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Để dân ca ví giặm mãi trường tồn, phát triển     

Đến nay, ông có hơn 40 năm cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam với trên 100 làn điệu do ông soạn lời; hàng chục vở kịch dân ca, chủ yếu là Dân ca Nghệ Tĩnh với nhiều giải thưởng lớn, trong đó có rất nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ, tiêu biểu là bài ca cải lương Ba Đình thu nhớ Bác… Thành tích là vậy nhưng với ông quan trọng nhất là việc truyền lửa cho dân ca được trường tồn, làm sao để lời Bác dặn trước lúc đi xa luôn được khắc ghi và thực hiện ở cả thế hệ mai sau, làm sao để tình yêu ấy lan tỏa đến muôn nơi.

Trao đổi với tôi về dân ca xứ Nghệ ông rất say sưa. Ông bảo: Vì sao mà có dân ca? chính là cuộc sống, là hiện thực. Dân ca xứ Nghệ luôn tồn tại trong một không gian diễn xướng nhất định. Từ không gian ấy, những lời ca mới cất lên, xa rời cuộc sống, lao động sẽ không còn dân ca nữa. Rồi ông hát cho tôi nghe 1 đoạn ví đò đưa ở hai không gian trên sông La và sông Lam. Ông hỏi: “Cháu có phát hiện ra sự khác nhau không ?”. Tôi cười, ông tiếp lời: Đó là sự khác nhau về không gian diễn xướng. Sông Lam rộng còn sông La hẹp. Thời xưa, khi ngược lên vùng Ngàn Sâu, Ngàn Phố chủ yếu đi đò. Khi đi đò trên sông Lam, gặp trộ gió nồm thì chỉ cần gác mái thuyền dàn hàng ngang, gió đẩy đi. Thuyền này với thuyền kia gần nhau nên bắt đầu điệu ví đò đưa trên sông Lam là: “Ờ (hoặc bạn tình ơi, này là bạn tình ơi) chơ ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…” .

Còn trên sông La do hẹp nên không dàn hàng ngang được mà thuyền trước thuyền sau, không gian cách xa nên bắt đầu điệu ví đò đưa sông La là: “Người ơi…” Tiếng ca cất cao lên, vút lên thì mới nghe rõ được. Thế mới nói những câu hát, làn điệu ví, giặm vốn được cất lên từ những không gian gắn liền với làng nghề, với cuộc sống sinh hoạt và lao động của người dân do đó không thể thống nhất ký âm cùng một cách hát được. Đó cũng chính là sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các làn điệu dân ca xứ Nghệ.

Như con tằm nhả tơ, mỗi tác phẩm của Nguyễn Viết Hoài đều được viết lên “bằng tình yêu quê hương đến cháy bỏng” của người nghệ sĩ, bằng thứ âm nhạc vừa bác học vừa dân gian. Khi tôi hỏi ông về chủ trương đưa dân ca vào trường học và HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thông qua Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, mắt ông bừng sáng. Ông nói, có người từng nói có thể sử dụng vũ khí để tiêu diệt một dân tộc nhưng không thể tiêu diệt được văn hóa của dân tộc đó, bởi văn hóa là trường tồn, là mãi mãi. Chủ trương của tỉnh trúng rồi, vấn đề là thực hiện thế nào để hiện thực hóa.

Không chỉ say sưa sưu tầm, truyền giữ, Nguyễn Viết Hoài như con tằm nhả tơ, viết tiếp các lời ca, điệu ví bằng tình yêu cháy bỏng đối với Bác Hồ, với quê hương đất nước, để dân ca ví giặm mãi mãi trường tồn và phát triển. Chia tay ông, tôi cứ mãi trăn trở tâm nguyện của người nghệ nhân ưu tú ấy: Không có gì quan trọng bằng giữ cho được hồn cốt của cha ông nên việc bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca xứ Nghệ là việc cần làm ngay. Đưa dân ca vào trường học là cách hay để mớm cho con trẻ những viên ngọc do cha ông mài giũa và chính các lời ca cũng là những lời khuyên răn con trẻ nên người. Đó cũng là cách tưởng nhớ và thực hiện lời Bác dặn thiết thực nhất.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh