Giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng đúng đối tượng
Hiện nay, điều kiện để nhận hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là đối tượng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định có tham gia bảo vệ rừng (bảo vệ rừng được giao, nhận khoán bảo vệ rừng); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao.
Tuy nhiên, hiện không có kinh phí đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền đối với các đối tượng được hỗ trợ nêu trên. Cử tri Gia Lai kiến nghị Chính phủ quy định cho phép chuyển kinh phí từ các nội dung chưa triển khai thực hiện được (bảo vệ rừng; trồng rừng phòng hộ; trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ gạo bảo vệ và phát triển rừng) của Chương trình sang kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính để giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng đúng đối tượng quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Trường Trung cấp và Trường Cao đẳng. Vì vậy, một số Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chưa thuộc đối tượng thụ hưởng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ các nội dung về giáo dục nghề nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên việc giải ngân nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Cử tri Gia Lai kiến nghị Chính phủ bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bổ sung các nội dung về năng lượng tái tạo
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri Gia Lai kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng, sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Trong đó, đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào trong Luật Điện lực; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (quy định về công tác vận hành và bảo trì (O&M), quy định về an toàn, phòng cháy, chữa cháy cho các dự án điện gió, điện mặt trời; quy định về kiểm soát chất lượng và bảo đảm xử lý môi trường đối với các tấm pin mặt trời; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải, chất thải, định mức tiêu hao năng lượng theo hướng phù hợp với những tiêu chuẩn của các nước phát triển; nghiên cứu tác động của cánh quạt tua bin điện gió và tiếng ồn của tuabin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng cách an toàn của cột tháp gió.
Dự án Hồ thủy lợi Ia Thul được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 10.11.2022đến nay vẫn chưa được triển khai, cử tri Gia Laikiếnnghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của người dân. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thẩm định, sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Pleiku thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku theo quy hoạch; quan tâm triển khai các thủ tục nghiên cứu đầu tư tuyến đường Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công hoàn thành trước năm 2030.
Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hướng dẫn, ban hành các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió (như: xác định diện tích đất bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc...), làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia để địa phương triển khai thực hiện, đồng thời có cơ sở pháp lý tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy hoạch.