Tăng quyền lợi cho lao động nữ
Tại Hội nghị tiếp xúc chuyên đề với cử tri là đoàn viên công đoàn, người lao động trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua, ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến quyền lợi của lao động nữ trong sửa đổi Luật BHXH.
Theo đó, chính sách thai sản là nội dung quan trọng được các đoàn viên công đoàn và một số đơn vị doanh nghiệp dành nhiều quan tâm. Theo đánh giá của Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Phan Mạnh Hùng, tỷ lệ bao phủ chính sách thai sản hiện nay đối với lao động nữ rất thấp (chỉ khoảng 30% theo số liệu của tổ chức ILO, số liệu 2021). Do đó, lao động nữ và gia đình không có nguồn thu nhập thay thế trong thời gian nghỉ sinh.
Thực tiễn thực hiện pháp luật cho thấy, chế độ thai sản được quy định trong Bộ luật Lao động và Luật BHXH áp dụng cho những cá nhân tham gia BHXH bắt buộc. Hiện, quyền lợi mà lao động nữ được hưởng từ BHXH khá ưu việt cả về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng, như: được trợ cấp 1 lần và hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ sinh con 6 tháng, có chế độ khám thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Tuy nhiên, phụ nữ là lao động tự do, nông dân tham gia BHXH tự nguyện thì chưa có chế độ nghỉ thai sản; không có tiền lương khi nghỉ sinh con nên điều kiện còn khá khó khăn, trong khi, số lượng các lao động nữ tự do lại chiếm số lượng khá lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1992, trú tại TP. Đồng Hới) cho biết, bản thân là lao động tự do và tham gia BHXH tự nguyện. Do vậy, chị đã chủ động chuẩn bị một khoản tài chính trước khi sinh con song vẫn lo lắng vì số tiền có hạn, sau thời gian nghỉ sinh cũng chưa thể tìm kiếm việc làm lại ngay.
Gửi kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh Nguyễn Vũ Tuấn đề nghị, cần có chính sách để người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản. Đồng quan điểm này song Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tuyên Hóa Nguyễn Tiến Hải lại dành sự quan tâm đến chế độ của người chồng khi lao động nữ sinh con. Bởi, lao động nữ luôn là đối tượng thiệt thòi trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHXH. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa đến chế độ thai sản, ốm đau, khám sức khỏe định kỳ, số lần khám thai, số ngày nghỉ để chăm sóc con của người bố.
Đối với việc chăm sóc con cái, nhiều cử tri cho rằng, cần có chính sách cho người lao động có con 7 đến dưới 16 tuổi ốm đau cũng được nghỉ việc để chăm sóc. Thực tế theo quy định của Luật BHXH hiện nay, chỉ trường hợp có con dưới 7 tuổi ốm đau cha mẹ mới được nghỉ.
Cần cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp phá sản
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1980), trú tại TP. Đồng Hới, đã nộp BHXH liên tục trong hơn 10 năm. Sau khi chuyển sang doanh nghiệp khác, chị không thể đóng nổi bảo hiểm do doanh nghiệp trước đó tuyên bố phá sản và nợ BHXH của nhiều lao động khác. Do vậy, chị đành nộp BHXH lại từ đầu và vẫn chưa thể đòi quyền lợi bị “treo” dù đã nghỉ việc gần 5 năm. Trường hợp của chị Hiền không phải là trường hợp cá nhân hy hữu tại thị trường lao động ở địa phương.
Tại Hội nghị tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri Phạm Thị Thảo, Tổ trưởng tổ dinh dưỡng - Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Đồng Phú cho rằng, còn một bộ phận không nhỏ người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn…
Cùng đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn cơ sở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) Nguyễn Ngọc Lâm nhấn mạnh, cần quy định quyền của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động về BHXH. Theo cử tri, đây là một phương án để tăng vị thế của tổ chức công đoàn trong vai trò bảo vệ người lao động; đồng thời, cũng là giải pháp để người lao động có thêm lựa chọn trong việc tự bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Tại hội nghị, từ thực tiễn giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về BHXH, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đinh Thị Ngọc Lan cho biết, tình trạng doanh nghiệp sử dụng nhiều bảng lương diễn ra phổ biến. Trong đó, bảng lương để đóng BHXH cho người lao động luôn thấp hơn bảng lương thực tế chi trả. Điều này ảnh hưởng tới lương hưu sau này của người lao động.
Về vấn đề này, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm đề nghị: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần tăng cường sự minh bạch; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh để không cho phép tồn tại tình trạng 2 bảng lương tại doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Với 12 kiến nghị góp ý sửa đổi Luật BHXH và 7 ý kiến góp ý sửa đổi Luật Công đoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá cao những kiến nghị mang tính thực tiễn, có giá trị. Đoàn ĐBQH sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét, chuyển tải đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan.