Theo báo cáo của UBND thị xã Đông Triều, trên địa bàn hiện có 128 di tích và danh thắng; trong đó, có 30 di tích đã được xếp hạng; 98 di tích đã được kiểm kê, phân loại và đưa vào danh mục quản lý.
Nhằm tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn, thị xã đã ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.
Thị xã cũng chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường triển khai tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Công tác duy tu, tôn tạo, phục hồi di tích được thị xã chỉ đạo thường xuyên. Giai đoạn từ năm 2018 - 2024, thị xã có 34 di tích đã được đầu tư quy hoạch, lập dự án tu bổ, tôn tạo; đầu tư hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng và phát huy giá trị từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí trên 2.100 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2023 - 2024 trong quá trình xây dựng Hồ sơ Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, thị xã đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh để cung cấp các tài liệu để xây dựng Hồ sơ và tuyên truyền, giới thiệu các điểm di tích nhà Trần ở Đông Triều; chuẩn bị các điều kiện đón đoàn chuyên gia của ICOMOS vào thẩm định thực địa Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Giám sát, khảo sát thực tế tại đền An Sinh, Thái Miếu nhà Trần, chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương nhấn mạnh: hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn thị xã Đông Triều, trong đó đặc biệt là các di tích nằm trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều có giá trị vô giá về lịch sử. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị thị xã Đông Triều và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tập hợp những sử liệu liên quan đến các di tích. Trên cơ sở đó, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung giới thiệu về di tích; đảm bảo, khi người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái hiểu đúng về giá trị lịch sử, văn hóa của từng di tích.
Đây cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng để phát huy hơn nữa giá trị các di tích hiện có. Đồng thời, trên cơ sở nhằm khai thác tối đa giá trị về cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa - lịch sử, thị xã nghiên cứu xây dựng thêm các tuyến du lịch mới. Qua đó, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.