Vĩnh Phúc hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

- Thứ Bảy, 15/06/2024, 07:44 - Chia sẻ

Cải cách hành chính (CCHC) bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước. Đây là quan điểm xuyên suốt của Vĩnh Phúc trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC, hướng đến xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Nhìn từ Yên Lạc

Liên tục trong nhiều năm vừa qua, huyện Yên Lạc đều giữ vị trí quán quân khối huyện, thành phố về CCHC, trở thành kinh nghiệm quý cho các địa phương khác học hỏi. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Lê Huy cho biết: xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện đã tập trung tinh gọn các thủ tục hành chính (TTHC); đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Minh chứng rõ nét là hình ảnh tận tụy, trách nhiệm của công chức bộ phận “một cửa” các xã khi giao dịch với người dân. Tất cả hồ sơ liên quan đến TTHC tại bộ phận “một cửa” được tiếp nhận và trả kết quả cho người dân nhanh chóng, hiệu quả. Đến giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai tại Trung tâm hành chính công huyện Yên Lạc, ông Trần Văn Sơn (thị trấn Yên Lạc) cho biết: từ đầu năm đến nay, tôi có 4 lần đến Trung tâm hành chính công huyện để giải quyết các TTHC liên quan đến chứng thực, hộ tịch, đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh. Lần nào đến đây, tôi cũng được các cán bộ phụ trách các lĩnh vực hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình và giải quyết các thủ tục đều đúng và trước hạn.

Cán bộ hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh Nguyễn Lượng
Cán bộ hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Lê Huy, một trong những nội dung được quan tâm trong CCHC là hiện đại hóa hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, 100% các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện sử dụng chữ ký số chuyên dùng được tích hợp mã số thuế. Việc trao đổi văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản, điều hành, việc sử dụng chữ ký số đi vào ổn định, thường xuyên và hiệu quả. Song song đó, Yên Lạc còn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC cấp huyện là 13.430. Trong đó, hồ sơ đến hạn giải quyết là 13.110, đã giải quyết trước hạn 12.956 hồ sơ, đạt 98,8%; tỷ lệ hồ sơ chậm muộn, quá hạn giảm còn dưới 0,13%.

Không để tụt hạng

Nhìn từ Yên Lạc, có thể thấy, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang được triển khai rất quyết liệt; hiện, Vĩnh Phúc có nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách TTHC như: giải quyết TTHC theo mô hình 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công) đối với 64 TTHC lĩnh vực đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công… Qua đó, góp phần giảm thời hạn giải quyết đối với 825 TTHC, với tổng số ngày cắt giảm được là 4.998 ngày so với quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh đã công bố thực hiện gộp, ghép 26 TTHC lĩnh vực đất đai thành 13 TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải đi lại nhiều lần, nộp 1 hồ sơ nhận được 2 kết quả giải quyết.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hòa chia sẻ: để xây dựng chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc trước tiên cần làm là CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC trong các cơ quan quản lý nhà nước. So với trước kia, TTHC của tỉnh đã được đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn khá nhiều. Qua cải cách đã tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước có nhiều cải thiện tích cực. Với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư của tỉnh, Vĩnh Phúc luôn là địa phương đạt thứ hạng cao về chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS).

Dẫn chứng về vấn đề cải cách TTHC, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hòa cho biết, Vĩnh Phúc đã áp dụng phần mềm Zalo trong tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ TTHC. Phối hợp với Bưu điện tỉnh kết nối liên thông giữa phần mềm “Một cửa hành chính công” và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để thực hiện tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Cắt giảm thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực thi đua, khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương...

Bên cạnh đó, để hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, công dân trong quá trình giải quyết TTHC, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song thẳng thắn nhìn nhận, công tác CCHC của Vĩnh Phúc còn hạn chế, vướng mắc. Theo công bố mới đây của Bộ Nội vụ, PAR INDEX năm 2023, Vĩnh Phúc đứng thứ 39/63 tỉnh, thành, tụt 32 bậc so với năm 2022. Khẳng định quyết tâm của địa phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hòa cho biết: để cải thiện thứ hạng PAR INDEX trong năm 2024 và những năm tiếp theo, phấn đấu nằm trong top 15 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước, Vĩnh Phúc tiếp tục chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về CCHC nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận, nhìn nhận đúng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC. 

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ đối với người dân và doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số.

Trọng Hiếu
#