Sáng 17.4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo công bố tại hội nghị, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên đã vươn lên xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố, đạt 90,76% tăng 3 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022; xếp thứ 2 khu vực các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (sau tỉnh Bắc Giang).
Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố (sau tỉnh Quảng Ninh), đạt 90,29%, tăng 4,03% so với năm 2022 (đạt 86,26%).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 12. Chỉ số này giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố.
Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 89.000 phiếu, trong đó, có 39.765 phiếu của người dân và 49.458 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương và lãnh đạo các hội, hiệp hội.
Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, trong năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp có chỉ số cải cách hành chính của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.
6 địa phương có kết quả giảm nhưng mức giảm không đáng kể, trong đó tỉnh giảm nhiều nhất là 2,91% và tỉnh giảm ít nhất là 0,51%.