Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình vừa có yêu cầu các chủ đầu tư dự án có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50% đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc nguyên nhân giải ngân chậm của dự án, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó, chấn chỉnh tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt đối với những dự án có số vốn đề xuất kéo dài năm 2023 sang năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh tương đối lớn.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục triệt để hạn chế, tồn tại của năm 2023. Đồng thời, khẩn trương phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ lãnh đạo phụ trách từng dự án, xử lý khó khăn vướng mắc và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của dự án.
Theo UBND tỉnh, bản phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng dự án sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả giải ngân năm 2024, đồng thời đưa vào kết quả thi đua khen thưởng của cán bộ công chức năm 2024...
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cầnkịp thời triển khai giảỉ pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Kỳ họp thứ 15 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý năm 2023 sang năm 2024 với số vốn hơn 375 tỷ đồng; kéo dài thời gian đối với giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương do cấp huyện, cấp xã quản lý là hơn 178 tỷ đồng.
Tham gia thảo luận tại kỳ họp về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Văn Bảo cho rằng: các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cần tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” để khơi không nguồn lực từ đầu tư công. "UBND tỉnh và các đơn vị, ban, ngành cần tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; hoàn thành việc giải ngân đầu tư công đúng yêu cầu nghị quyết được thông qua", ông Bảo nhấn mạnh.